Bình Dương: Lễ hội Mùa trái chín năm 2024 có gì mới và hấp dẫn?
Tối 15/6, tại TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã chính thức khai mạc Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2024 với chủ đề: “Lái Thiêu mùa hẹn”, do UBND TP.Thuận An phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức.
Đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2024 |
Lễ hội, diễn ra tại tại khu vực Cầu Ngang, phường Hưng Định, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương đến ngày 22/6, với nhiều hoạt động phong phú phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, mua sắm của người dân và du khách trong và ngoài tỉnh.
Điểm nhấn của Lễ hội là Hội chợ Trái cây và Liên hoan Ẩm thực - Du lịch với chủ đề: “Ngọt ngào Phương Nam”, với hơn 100 gian hàng trưng bày trái cây tạo hình nghệ thuật, bày bán trái cây đặc sản, giống cây, hàng thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm chế biến từ trái cây, các món ăn, thức uống đặc trưng của tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và các đại biểu tham quan gian hàng bày bán trái cây đặc sản tại sự kiện |
Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội thi “Duyên dáng Bình Dương”; Hội thi ảnh đẹp mùa trái chín chủ đề: “Sắc màu quê hương”; Triển lãm Ảnh đẹp du lịch Bình Dương; Giải việt dã chủ đề: “Cung đường Mùa trái chín”; Liên hoan Đờn ca Tài tử Nam bộ và Chương trình ca nhạc đường phố hằng đêm…
Các chuỗi sự kiện này nhằm tôn vinh các loại cây ăn quả đặc sắc của địa phương và các vùng miền lân cận; giới thiệu các sản phẩm và văn hóa đặc trưng, quảng bá hình ảnh đất và người Bình Dương đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Cùng với đó là tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với các sản vật cây trái; phát triển vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các tỉnh trong cả nước và định hướng vươn xa trên thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Nam nói chung.
Mặt khác, các hoạt động tại Lễ hội lần này còn có ý nghĩa thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của tỉnh Bình Dương nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch của địa phương và khu vực.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đặc biệt - nhấn mạnh: Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh còn rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản truyền thống của các địa phương như: Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và đặc biệt là vườn cây ăn trái Lái Thiêu của TP. Thuận An.
Do đó, việc tổ chức Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 là một sự kiện khẳng định chủ trương đúng đắn trên của tỉnh. Bên cạnh phục vụ nhu cầu thưởng thức trái cây đặc sản của vùng đất Lái Thiêu trù phú, lễ hội sẽ nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn nguồn gen quý của các loại cây ăn quả. Và hướng đến mục đích khôi phục thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” với bề dày truyền thống gắn với chiều dài lịch sử của tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham quan Triển lãm Ảnh đẹp du lịch Bình Dương |
Để hướng đến mục tiêu phát triển Tam nông bền vững (nông nghiệp, nông dân và nông thôn), theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa du lịch sinh thái thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các hộ dân có vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực cùng các cấp chính quyền duy trì, phát triển vườn cây trái đặc sản của địa phương.
Đặc biệt, cần chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, đổi mới hình thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.
Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" năm 2024 hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách trong và ngoài tỉnh những trải nghiệm thú vị về vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương; cũng như cảm nhận nét văn hóa, sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách, hình ảnh người Bình Dương nghĩa tình, năng động-tài hoa, cởi mở, trọng tình và sáng tạo.