Giữ nguyên mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Liên quan đến mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an chiều 4/10 cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, nhà khoa học và người dân về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cụ thể, Bộ Công an trước đó đề xuất dự thảo hạ mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) của Thủ tướng Chính phủ đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Sau khi thông tin này được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, các nhà khoa học, chuyên gia đã có 2 luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Phần lớn người dân ủng hộ phương án hạ mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, về phía các chuyên gia lại không ủng hộ phương án hạ mức xử phạt vi phạm hành chính nồng độ cồn vì cho rằng, nếu thực hiện điều này sẽ tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Bởi mức phạt nồng độ cồn hiện tại được cho là có tính răn đe cao. Việc giảm mức phạt có thể làm giảm tính răn đe, khiến người dân lơ là hơn trong việc tuân thủ các quy định về nồng độ cồn khi lái xe.
“Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã đề xuất vẫn giữ nguyên mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm về nồng độ cồn như quy định tại Nghị định 100”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho hay.
Bộ Công an giữ nguyên mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm về nồng độ cồn như quy định tại Nghị định 100. Ảnh: Mai Anh |
Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nồng độ cồn sẽ được giữ nguyên theo Nghị định 100 và sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021.
Trước đó, ban soạn thảo đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng) với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới nhất (Bộ Tư pháp thẩm định), Bộ Công an bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu.
Theo đó, ban soạn thảo đề xuất phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người lái xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Đối với xe môtô, gắn máy, dự thảo mới nhất cũng đề xuất phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (tức giữ nguyên mức đang áp dụng) đối với người lái xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Ở dự thảo nghị định hồi tháng 8, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng.
Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Tại dự thảo trước đó, Bộ Công an đề xuất mức phạt dành cho hành vi này giảm còn từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng.
“Hiện mức phạt vi phạm nồng độ cồn là khá cao, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp, nhưng đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn của Bộ Công an đã không xảy ra. Tuy nhiên, Nhà nước đã có quyết định về việc ngày, người dân phải chấp hành nghiêm túc”, anh Nguyễn Hữu Hoàn (ở quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho hay.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để cán bộ vi phạm nồng độ cồn
Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết, thời gian qua, vẫn còn có cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là trong việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (vi phạm nồng độ cồn).
Riêng trong năm 2023 và Quý 1/2024, lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm.
Trao đổi thông tin với báo giới về việc xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về nồng độ cồn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng chức năng đã kiên quyết xem xét, xử lý đối với thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
“Về xử lý vi phạm, theo quy định, hằng năm các đơn vị, địa phương có thống kê gửi về Bộ Công an trước 15/10 nên hiện chưa có số liệu cụ thể về việc xử lý thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Bộ Công an sẽ thông tin về vấn đề này khi có số liệu cụ thể”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho hay.