Cung đèo Lò Xo (đoạn qua huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) từ bao lâu nay được cánh tài xế mệnh danh là “cung đèo tử thần”, bởi nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Song, nhiều năm qua, cung đường đèo này cũng đã ghi dấu những cống hiến thầm lặng của nhóm cứu hộ “SOS đèo Lò Xo”. Hễ có tai nạn giao thông là họ kịp thời có mặt, cứu hộ miễn phí. Bất kể đêm khuya, mưa gió, hay tin có tai nạn là anh em trong đội lại tức tốc tìm đến hiện trường.
Những cuộc gọi lúc nửa đêm
Trời nhập nhoạng tối, gió hun hút thổi trên con đường đèo ngoằn ngoèo. Sau nhiều khúc cua khuỷu tay và những con dốc cao dựng đứng, chúng tôi đến được quán sửa xe máy của anh Đinh Văn Hoàng (38 tuổi, ngụ xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) hay còn được gọi với biệt danh “Hoàng Lò Xo”. Ngoài công việc sửa xe kiếm sống, nhiều năm qua, anh Hoàng luôn là người có mặt tại các vụ tai nạn trên đèo Lò Xo để thực hiện sứ mệnh cứu người.
Cung đèo Lò Xo (đoạn qua huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) từ bao lâu nay đều được cánh tài xế mệnh danh là “cung đèo tử thần”. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Anh Hoàng kể, năm 2008, anh đến địa phương này sinh sống và có duyên với công việc cứu hộ trên đèo Lò Xo. Anh vẫn nhớ như in vụ tai nạn đầu tiên mà mình tham gia cứu hộ. Đó là một đêm tháng 11/2009, chiếc xe tải bị lật xuống vực sâu 40m. Sau khi hay tin, anh đã tức tốc chạy tới hiện trường, chui vào cabin đưa nạn nhân ra ngoài rồi cõng họ vượt dốc lên trên.
"Thời điểm đó, tôi vừa trải qua ca phẫu thuật dạ dày, vết mổ chưa lành hẳn, sức khỏe còn yếu. Nhưng giữa đêm khuya, lực lượng chức năng không thuê được người cõng nạn nhân lên, chẳng còn cách nào khác tôi lao xuống cõng người bị nạn lên dù vết thương vẫn còn đau nhức. Đó là lần đầu tiên tôi tham gia cứu hộ" – anh Hoàng bồi hồi nhớ lại.
Sau vụ lật xe tải đó, anh Hoàng chính thức vào “nghề” cứu hộ. Chàng trai trẻ để lại số điện thoại cho người dân sống bên đèo và dặn “cứ thấy có tai nạn cần hỗ trợ, hãy gọi cho tôi”. Để rồi sau đó, một vụ, hai vụ..., hết thảy các tai nạn lớn nhỏ diễn ra trên cung đường đèo dài 27km đều có anh Hoàng góp mặt.
Anh Đinh Văn Hoàng thường được mọi người gọi với cái tên “Hoàng Lò Xo”. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Anh Nguyễn Vũ Ly (36 tuổi), Đội trưởng Đội SOS đèo Lò Xo cho biết, trước hành động đáng quý của anh Hoàng, hiểu được hoàn cảnh của lái xe đường dài gặp nạn, một số anh em đã bàn bạc và quyết định thành lập đội cứu hộ giao thông mang tên SOS đèo Lò Xo.
Tháng 11/2017, Đội SOS đèo Lò Xo được thành lập với 9 thành viên từ 26 đến 34 tuổi, họ cùng sinh sống tại huyện Đăk Glei. Anh Ly được các thành viên bầu làm đội trưởng, còn anh Ngô Quang Quyết (36 tuổi) làm đội phó để điều hành công việc mỗi khi có sự cố. Hằng ngày, họ làm nghề lái xe và buôn bán nhỏ trên lưng chừng đèo. Còn mỗi khi có tai nạn giao thông, họ lập tức trở thành những “vị anh hùng”, nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu hộ, cứu nạn.
Nói về những lần tham gia cùng đội đi cứu người, anh Nguyễn Vũ Ly không thể nhớ hết từng vụ việc và nhớ ra nhóm của mình đã cứu được bao nhiêu người. Bởi, anh cùng thành viên trong đội đã tham gia cứu hộ rất nhiều vụ tai nạn, song không có bất kì một thống kê hay báo cáo nào cả. Anh và cả nhóm chỉ biết rằng, mỗi khi nhận được cuộc gọi có tai nạn giao thông, bất kể đêm hay ngày, cả nhóm đều lập tức lên đường.
Theo anh Ly, đèo Lò Xo được đánh giá là một trong những cung đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Đường đèo này không có nhiều khúc cua tay áo như các cung đèo phía Bắc, song độ dốc lớn và xuống dốc liên tục nên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Thời gian đầu, đội tham gia với tinh thần nhiệt tình có thừa nhưng rất thiếu kinh nghiệm, lúng túng. Sau vài vụ, kinh nghiệm ứng cứu dần dà tốt hơn, vì vậy số lượng người tử vong cũng ít hơn.
Khu vực đèo Lò Xo liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Trong khi đó, anh Ngô Quang Quyết cho biết bản thân anh và các thành viên trong đội SOS đèo Lò Xo đã không ít lần rơi nước mắt vì chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm. Lúc ấy, anh và mọi người phải tự trấn an, tập trung cứu người bị nạn thoát cửa tử.
“Khi đến hiện trường, chúng tôi quan tâm nhất là sơ cứu vết thương cho người bị nạn. Những trường hợp bị thương nặng, xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi ở lại hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, bảo đảm an toàn để các phương tiện khác lưu thông, đồng thời, cứu hộ tai nạn” - anh Quyết nói và cho biết mong muốn lớn nhất của cả đội là kịp thời giúp đỡ những trường hợp gặp nạn, hỗ trợ họ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân Đội SOS đèo Lò Xo làm vì tình người nên không cần bất kì ai đền ơn, đáp nghĩa.
Điện thoại để chuông 24/24h
Gần 6 năm đi vào hoạt động với cái tên chính thức, Đội SOS đèo Lò Xo đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn. Từ tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây "ba lô" chạy xe máy gặp nạn trên đèo đều đã được họ cứu giúp kịp thời.
Tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo được đội SOS đèo Lò Xo cứu hộ phần lớn xảy ra vào buổi chiều và đêm tối. Sau mỗi lần cứu hộ, bàn giao nạn nhân, phương tiện và hiện trường cho lực lượng Cảnh sát giao thông xong, anh em trở về nhà thì cũng là lúc trời gần sáng.
Từ tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây "ba lô" chạy xe máy gặp nạn trên đèo đều đã được đội SOS đèo Lò Xo cứu giúp kịp thời. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Theo anh Quyết, ngày đêm đều có người của Đội túc trực cứu nạn trên đèo. Khi nhận được tin từ Cảnh sát giao thông trực chốt trên đèo Lò Xo báo có tai nạn giao thông, người trực của đội cứu nạn sẽ nhanh chóng gọi về thông tin. Liền sau cuộc đó, cả đội sẽ đi ngay đến điểm cứu nạn bất kể thời gian nào. “Mọi người khi đi ngủ thì hầu hết tắt điện thoại để cho giấc ngủ sâu, còn với chúng tôi thì điện thoại không bao giờ tắt. Với các thành viên trong đội, việc điện thoại luôn để chuông 24/24h nhiều năm nay đã trở thành thói quen” - anh Quyết chia sẻ.
Anh Ly cho biết, ngay cả đêm những ngày trước, trong và sau Tết, nhiều thành viên của đội vẫn mang theo cơm đùm cơm nắm túc trực trên đỉnh đèo. Chỉ cần có cuộc gọi giữa đêm báo tai nạn đáng tiếc hay sự cố, họ lại xé màn sương lạnh buốt lao đi. “Cả đội luôn trong tinh thần chuẩn bị sẵn sàng với việc tham gia cứu hộ cứu nạn mà không một chút ít nề hà. Song, thực tâm, trong mong ước của mỗi thành viên, chúng tôi đều mong mình được “thất nghiệp” với việc làm này. Vì “thất nghiệp” đồng nghĩa với việc không còn những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên cung đường đèo này nữa. Anh em trong đội sẽ rất vui” – anh Ly bộc bạch.
Tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo được đội SOS đèo Lò Xo cứu hộ phần lớn xảy ra vào buổi chiều và đêm tối. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Để nắm bắt, trao đổi thông tin kịp thời về tình hình thời tiết và các vụ việc trên đèo Lò Xo, anh em trong đội đã lập nhóm mạng xã hội facebook với tên “SOS ĐÈO LÒ XO+”. Đến nay, nhóm đã có hơn 32.200 thành viên tham gia. Để có trang thiết bị hoạt động, tháng 6/2019, Hội Ford Everest Việt Nam đã trao tặng cho Đội SOS đèo Lò Xo bộ trang bị cứu hộ giao thông gồm 7 bộ đàm các loại, gậy cảnh báo, tam giác, áo mưa phản quang, cáp tời xe, cáp kéo người, túi cứu thương.
Ngoài cứu hộ, cứu nạn trên cung đường đèo thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, Đội SOS đèo Lò Xo còn thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam cứu hộ cứu nạn những đoạn đường đèo thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam).
Các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo nhận Bằng khen của Ban ATGT huyện Đăk Glei. Ảnh: SOS đèo Lò Xo |
Ông Hoàng Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, trước tình hình tai nạn xảy ra liên tục trên cung đường đèo Lò Xo, vừa qua, lãnh đạo xã đã có buổi làm với Hạt Quản lý đường bộ. Xã đã đề xuất Hạt Quản lý đường bộ xin ý kiến Cục Đường bộ mở rộng phạm vi các "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, làm những đoạn đường tránh nạn, để khi các xe xảy ra sự cố có thể đánh lái vào đó, hạn chế tối thiểu những sự cố dẫn đến tai nạn thương tâm.
Với những việc làm thầm lặng, thiết thực và ý nghĩa, những "dũng sĩ" của đội SOS đèo Lò Xo đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, Ban An toàn Giao thông huyện Đăk Glei và Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tặng bằng khen về sự nghĩa hiệp, kịp thời cứu giúp người gặp nạn. Cụ thể, tháng 12/2019, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei đã tặng giấy khen cho các thành viên của đội vì đã có thành tích cứu nạn cứu hộ trên đèo Lò Xo. Đến tháng 6/2020, đội SOS đèo Lò Xo được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 10/1/2022, được sự quan tâm động viên của lãnh đạo huyện Đăk Glei, Ban An toàn giao thông huyện Đăk Glei đã trao quyết định khen thưởng cho tập thể, cá nhân đội SOS đèo Lò Xo vì đã có thành tích trong việc đảm bảo an toàn giao thông, cứu nạn cứu hộ trên đèo Lò Xo trong năm 2021. |