Đẩy mạnh phát triển sản phẩm liên quan đến dữ liệu
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 7/10, trả lời câu hỏi liên quan đến đề xuất xây dựng sàn dữ liệu, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Bộ được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu nhằm quán triệt, cụ thể hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về dữ liệu, công tác chuyển đổi số. Qua đó tạo đồng bộ, thống nhất quản lý, qua đó góp phần phát triển Chiến lược kin tế số theo kịp các quốc gia trên thế giới.
Về sàn giao dịch dữ liệu, hiện nay ở nước ta chưa có cơ sở pháp lý về vấn đề này. Do vậy, trong dự thảo Luật, Bộ Công an quy định đề xuất về sàn dữ liệu góp phần xác lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân trên môi trường số.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ) |
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết: “Do đây là lĩnh vực rất mới, lần đầu tiên được dự thảo trong quy định, cần có cơ chế thực hiện linh hoạt trong quá trình trình Chính phủ, Chính phủ đã xem xét đề xuất của Bộ Công an theo hướng quy định khung trong Luật".
Được biết, dự án Luật Dữ liệu đang được Bộ Công an xây dựng quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; bổ sung thiết chế quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Bộ Công an đề xuất các quy định về sàn giao dịch dữ liệu. Đây là môi trường giao dịch trực tuyến để trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp.
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu trong đó quy định về sàn giao dịch dữ liệu. (Ảnh minh họa, nguồn: Congly.vn) |
Sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, có sự giám sát, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước được triển khai sàn giao dịch dữ liệu và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động trước cơ quan chủ quản.
Quy chế hoạt động của sàn phải được công khai, bao gồm trách nhiệm các bên tham gia; quy trình giao dịch; đảm bảo bí mật thông tin, chống hành vi gian lận; quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự thảo Luật hướng đến phát triển mạng lưới sàn giao dịch dữ liệu phù hợp chủ trương chiến lược dữ liệu quốc gia, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Sàn giao dịch dữ liệu sẽ tăng tính kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Để làm được điều này, Chính phủ sẽ xây dựng quy định về hình thức sở hữu, mua bán dữ liệu; quyền tài sản dữ liệu; dữ liệu bản quyền; đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ.
Đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ căn cước
Trả lời câu hỏi về kết quả bước đầu sau 3 tháng thực hiện Luật Căn cước, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, Luật Căn cước năm 2023 được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 27/11/2023), gồm 07 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Trong đó, có một số điểm mới của Luật như chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước; bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử; bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học...
Để triển khai thực hiện Luật, Bộ Công an đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch số 175 ngày 14/2/2024, trong đó tập trung các công tác trọng tâm: Tham mưu ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Căn cước và sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Căn cước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chuẩn bị các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học vê mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử...
Ngoài ra, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân; mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật...
Kết quả là từ 01/7/2024 đến ngày 07/10/2024, đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ Căn cước. Trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu thẻ cho trẻ em từ đủ 6 đến 14 tuổi; hơn 2,38 triệu thẻ cho người từ đủ 14 tuổi.
Toàn quốc đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và thu nhận hơn 260 mẫu ADN.
Qua gần 3 tháng triển khai Luật Căn cước, lực lượng Công an đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và Nhân dân; việc triển khai Luật Căn cước và công tác thu nhận hồ sơ, cấp Căn cước cơ bản thuận lợi, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.