Hải Phòng tổ chức hội thảo hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11 Bộ Công Thương hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 |
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm không chỉ xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật mà còn góp phần quan trọng trong việc đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Đồng thời, thông qua việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam còn nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ đó, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Năm 2024 - năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều điểm nhấn, nét mới về nội dung, cách làm theo hướng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, gắn với nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, tổ chức. Nhiều bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, xây dựng các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, diễn đàn, nhắn tin về Ngày Pháp luật Việt Nam.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng đi vào cuộc sống và trở thành một hoạt động chính trị, pháp lý thường niên, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp; thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, lan tỏa rộng rãi tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với tinh thần thượng tôn pháp luật. Ảnh: S.T |
Tại buổi làm việc mới đây với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, với 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật. Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất. Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…
Cùng đó, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, ngành công nghiệp mới.
Là bộ quản lý kinh tế đa ngành, là một trong những ngành có nhiều hoạt động tham gia tổ chức và thi hành pháp luật, ngành Công Thương xác định chủ đề tham gia Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 của ngành là “Chủ động, dân chủ, sáng tạo trong tham mưu; trách nhiệm, kỷ cương trong thi hành; dám nghĩ, dám làm, quyết liệt, đột phá trong xây dựng thể chế, pháp luật góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024”. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực công tác của Bộ Công Thương; thiết thực đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân.
Từ đầu năm 2024, ngành Công Thương đã hoàn thành khối lượng công việc không nhỏ trong công tác xây dựng thể chế như tham mưu với Chính phủ trình ra Quốc hội 2 dự án luật quan trọng là Luật Điện lực và Luật Hoá chất; trình Chính phủ ban hành 12 nghị định, ban hành 21 thông tư theo thẩm quyền bảo đảm đúng tiến độ, trình tự, thủ tục. Có thể nói, đây đều là những văn bản liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Thời gian qua, ngành Công Thương đã nỗ lực lồng ghép quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách mới ban hành, giới thiệu nội dung các văn bản mới trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức nâng hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ; đề xuất khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng, phổ biến, thi hành pháp luật.