Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động về quản lý, khai thác các nguồn lực kinh tế
Ngày 2/7/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1757/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ chủ động và tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 30/NQ-CP.
Cụ thể, Vụ Pháp chế có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản về các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động nhằm sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực.
Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh quá trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Bộ trong quản lý, sử dụng nhân lực; Thực hiện giám sát xã hội, bảo đảm vai trò giám sát của cộng đồng, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc giám sát chất lượng đào tạo nhân lực thuộc ngành Công Thương.
Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước, các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tập trung đôn đốc sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số thuộc ngành Công Thương; Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, tập trung, ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng ngành Công Thương bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch, các Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tư vấn, giám sát độc lập, trong đó có giám sát cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng công trình; kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.
Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước, các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thẩm định đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công, loại trừ ngay từ khâu thẩm định các dự án kém hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước, các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng thuộc ngành Công Thương.
Cục Công Thương địa phương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Kế hoạch thực hiện nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 theo ngành, lĩnh vực của ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước và Vụ Kế hoạch khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Đề án tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ động bố trí nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngành Công Thương; Huy động tối đa nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa lĩnh vực môi trường.
Văn phòng Bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cập nhật thông tin sắp xếp nhà, đất vào phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng, vận hành; Chủ động rà soát toàn bộ tài sản công thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó thực hiện việc khai thác tài sản công hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.
Về tổ chức thực hiện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.
Văn bản cũng nêu rõ, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao định kỳ hàng quý, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương gửi Vụ Kế hoạch tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.