Bộ Công Thương: Các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh
Năm 2024, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Từ đó, dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; đặc biệt, nhiều thị trường gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...
Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh: Hoà Phát |
Tại báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động động thương mại tháng 9/2024, theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8 năm 2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
Nhằm ứng phó với các vụ điều tra, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Đồng thời, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. "Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu"- theo Bộ Công Thương.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cho biết, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại.
Cụ thể gồm: Tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 2 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 2 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới. Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra thì đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực.
Bộ Công Thương đánh giá, các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động sản xuất và thương mại của nước ta, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.
Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ rõ, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Cùng với đó, xu hướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được các quốc gia sử dụng. Do vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đồng thời, Bộ Công Thương nêu rõ, sẽ tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.