Thách thức mới với doanh nghiệp
Cùng với sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu, thời gian qua, các thị trường quốc tế cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, tần suất điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng thay vì giá để tránh bị điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Trên thực tế, theo đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những kinh nghiệm ứng phó trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thác thức khi phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng mở rộng không chỉ có mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ mà những sản phẩm có giá trị xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy… cũng đã rơi vào tầm ngắm điều tra của thị trường. Ngoài ra, xu hướng điều tra ngày càng khắt khe hơn, khi cơ quan điều tra yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp…
Bà Trương Thuỳ Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - cho biết, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Đặc biệt, đã đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 10 mặt hàng. Mặt khác, nhờ vào việc cung cấp thông tin sớm đã giúp các doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc, quy trình điều tra, các công việc cần thực hiện và các kịch bản có thể xảy ra để doanh nghiệp xây dựng chiến lược ứng phó.
Thời gian tới, theo bà Trương Thuỳ Linh, việc ký kết các FTA song phương, đa phương giúp xuất khẩu hàng hoá gia tăng, song các quốc gia cũng sẽ gia tăng áp dụng ngày càng nhiều với quyết tâm bảo vệ và phát triển sản xuất nội địa, các nước bị áp thuế phòng vệ thương mại tìm cách lẩn tránh thuế… điều này dẫn đến khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng bị điều tra ngày một lớn hơn.
Chia sẻ về xu hướng điều tra phòng vệ thương mại, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - CEO SB Law - cho rằng, điều này đang gây áp lực đối với doanh nghiệp, ngành hàng là rất lớn. Điều đáng lo ngại là hiện nay, hầu như doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, phải kể tới mức độ hiểu biết về quy định, pháp luật phòng vệ thương mại các thị trường nhập khẩu của doanh nghiệp còn khiêm tốn. Hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tra vụ việc, nhưng các hiệp hội cũng gặp khó khăn khi sử dụng những công cụ đang có.
Trước bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực ứng phó với các vụ điều tra rất quan trọng khi hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời, cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó hiệu quả với "làn sóng" phòng vệ thương mại. Trong đó, “doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần cân nhắc rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng sản xuất, xuất khẩu hợp lý; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại”- bà Trương Thuỳ Linh khuyến nghị.
Tập trung vào chất lượng thay vì giá để tránh bị điều tra
Thời gian qua, nhôm là ngành thường xuyên đối diện nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của phòng vệ thương mại và hiệu quả tích cực khi các doanh nghiệp trong ngành cùng nhau đoàn kết, tận dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với hàng hóa bán phá giá của nước ngoài hoặc tiếp tục bảo vệ thành công thị trường xuất khẩu khi bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
"Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng trên thế giới, việc hiểu rõ và chuẩn bị kỹ lưỡng rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế" - ông Kế chia sẻ.
Từ thực tiễn ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, cũng như bảo vệ lợi ích, nâng cao khả năng của sản phẩm trên thị trường quốc tế, đại diện Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng, trước hết, doanh nghiệp phải quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, tập trung vào chất lượng thay vì giá để tránh bị điều tra.
Ngoài ra, cần lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức, bao gồm tài liệu tài chính, sản xuất và bán hàng để dễ dàng cung cấp khi cần thiết. Mặt khác, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế; tổ chức các khoá đào tạo về phòng vệ thương mại cho nhân viên để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó.
Theo ông Nguyễn Minh Kế, thu thập chứng cứ là bước quan trọng trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 loại chứng cứ chính: Dữ liệu giá cả gồm giá bán nội địa, giá xuất khẩu, biên độ chênh lệch; Chứng cứ thiệt hại gồm giảm doanh thu, mất thị phần, giảm lợi nhuận; Hồ sơ tài chính gồm báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần tăng cường hợp tác với cơ quan điều tra, đây là yếu tố quan trọng để đảm bao quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ và công bằng. Theo đó, doanh nghiệp cần: Thiết lập kênh liên lạc với cơ quan điều tra, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; phản hồi bổ sung thông qua việc trả lời các câu hỏi và yêu cầu làm rõ; Cung cấp thông tin qua việc nộp hồ sơ và tài liệu theo yêu cầu. tham gia điều trần, trình bày và bảo vệ quan điểm của doanh nghiệp.
Đồng thời, để hướng tới kết quả tích cực, có lợi, trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, việc tìm kiếm hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp là rất quan trọng. Do đó, doanh nghiệp được khuyến nghị nên nhận tư vấn từ luật sư chuyên ngành, hỗ trợ trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ pháp lý; đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình điều tra, đảm bảo mọi hành động đều hợp pháp.
Tiếp theo là tham gia các phiên điều trần, đây là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của mình. Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị thu thập và tổ chức các bằng chứng, tài liệu hỗ trợ; trình bày quan điểm và bằng chứng trước cơ quan điều tra; thực hành trình bày và chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi có thể được đặt ra; theo dõi kết quả và cung cấp thông tin bổ sung nếu cần.
Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khuyến nghị thêm, doanh nghiệp cần theo dõi quá trình điều tra phòng vệ thương mại qua việc: Luôn cập nhật thông tin về các bước đang diễn ra và thời hạn hoàn thành từng giai đoạn của quá trình điều tra. Sẵn sàng cung cấp thêm tài liệu, số liệu hoặc giải thích khi cơ quan điều tra yêu cầu; chuẩn bị các câu trả lời và thảo luận tại các phiên họp, điều trần một cách chủ động, hiệu quả. Nắm bắt các phản ứng và nhận định của cơ quan điều tra để kịp thời điều chỉnh chiến lược bảo vệ.