Bắc Kạn xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm gắn với du lịch trải nghiệm tại Ba Bể Bắc Kạn xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP Khai mạc “Ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022” |
Mở rộng thị trường nông sản và du lịch của Bắc Kạn
Ngày 2/6, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 đã được tổ chức. Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: Hội nghị là nội dung nằm trong chuỗi sự kiện nhằm quảng bá giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm và sản phẩm OCOP của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, Bắc Kạn đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế - xã hội chưa bao có cho đến nay thông qua việc hình thành tuyến đường giao thông mới từ Hà Nội lên TP. Bắc Kạn, huyện Ba Bể và tuyến đường nối tiếp từ huyện Chợ Mới lên TP. Bắc Kạn. Dự kiến 2 tuyến đường này sẽ đưa vào khai thác trong năm 2024-2025.
“2 tuyến đường đi vào khai thác, thời gian từ Hà Nội lên hồ Ba Bể được rút ngắn đáng kể, chỉ mất khoảng 3 giờ, sẽ rất thuận lợi cho việc mở rộng thị trường nông sản và du lịch của Bắc Kạn” - bà Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc Hội nghị |
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng chia sẻ, Bắc Kạn chủ trương lấy nông nghiệp là trọng tâm cho phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 150 sản phẩm OCOP, cùng đó là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc thù có thế mạnh. Những sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được tư vấn, đầu tư mẫu mã bao bì phù hợp.
“Đặc biệt, hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản năm nay có điểm mới khi được gắn với du lịch trải nghiệm vùng sinh thái bí xanh thơm và trúc sào. Đã đặt nền móng cho phát triển du lịch trải nghiệm, tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của tỉnh” - bà Đỗ Thị Minh Hoa nói.
Đánh giá cao nỗ lực của Bắc Kạn trong triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bắc Kạn chủ động sáng tạo trong kết nối xúc tiến thương mại, từ tham gia thương mại điện tử, chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ, kinh doanh, có hình thức xúc tiến thương mại gắn với trưng bày sản phẩn ở các thị trường lớn trong nước.
Trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cũng luôn đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Sự phối hợp này đã tạo ra sự cộng hưởng tốt giúp nông sản của Bắc Kạn có chỗ đứng trên thị trường và được biết đến nhiều hơn. Nổi bật nhất là công tác quảng bá, tuyên truyền cho hình ảnh và thông tin về nông sản của Bắc Kạn.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá cao nỗ lực của Bắc Kạn trong triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản |
“Thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bắc Kạn kết nối và tiêu thụ giúp nông sản của tỉnh đi xa hơn nữa trên thị trường thông qua đa dạng hình thức xúc tiến thương mại”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng và tính nhận diện cho sản phẩm
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, dung lượng thị trường cho sản phẩm bí xanh thơm nói riêng, nông sản của Bắc Kạn nói chung còn lớn, tỉnh cần tính toán và quy hoạch phát triển sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, không nên có quá nhiều sản phẩm chủ lực bởi sẽ khó đạt sản lượng thương mại hàng hoá lớn.
Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm và các chứng nhận liên quan rất quan trọng, không chỉ cho sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mà cả cho thị trường trong nước. Tỉnh Bắc Kạn cũng cần có quy hoạch mã vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho bí xanh thơm cùng các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, để công tác xúc tiến thương mại dễ dàng hơn, nâng cao giá trị cho sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 |
Đa dạng hơn nữa hình thức quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm chủ lực và nông sản của tỉnh. Đặc biệt là quảng bá quá trình canh tác bằng cách xây dựng các video clip (phóng sự ngắn) về nông sản của tỉnh đưa lên các mạng xã hội để người tiêu dùng cả nước có những cảm nhận trực quan nhất.
“Mô hình xúc tiến tiêu thụ kết hợp du lịch trải nghiệm vùng sinh thái bí xanh thơm rất sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Tại một số hợp tác xã điểm có thể gắn camera tại vườn và livetream trực tiếp trang website bán hàng để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm” - ông Vũ Bá Phú nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đóng góp ý kiến: Diện tích trồng bí xanh thơm hữu cơ của tỉnh Bắc Kạn còn quá ít, đề nghị địa phương hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng theo quy mô hàng hoá. Đặc biệt, cần có tem truy suất nguồn gốc, tem OCOP nhằm tạo điểm nhấn về chất lượng cho bí xanh thơm của Bắc Kạn.
“Với các loại nông sản khác của Bắc Kạn dù tốt về chất lượng nhưng cần chú ý hơn tới kiểu dáng, bao gói sản phẩm nhằm thu hút ngay sự quan tâm của khách hàng. Để làm được điều này, địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư thuê thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá hình ảnh lên các trang mạng xã hội…” - bà Vũ Thị Hậu nói.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm trên các sàn thương mại điện tử |
Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp phân phối cùng chung mong muốn: Tăng tính nhận diện cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn với người tiêu dùng qua việc giới thiệu quy trình trồng. Đồng thời cam kết, bằng những việc làm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Phấn đấu giảm hết mức chi phí nhằm đưa sản phẩm tới rộng rãi người tiêu dùng.
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn qua các kênh tiêu thụ sản phẩm, trong khuôn khổ hội nghị, với sự kết nối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Voso, Postmart... với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.
Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lớn này sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu thương mại số. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử tiếp cận các giải pháp hiện đại để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Bắc Kạn đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp và bà con nông dân mở rộng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Phát huy vai trò quản lý, định hướng và phát triển thị trường trong nước, Vụ Thị trường trong nước đã hỗ trợ kết nối, các doanh nghiệp phân phối lớn, các chợ đầu mối, các Hợp tác xã, Liên hợp tác xã thương mại… để kịp thời hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm và nông sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch của tỉnh Bắc Kạn tại trường thị trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Trong khuôn khổ hội nghị, với sự kết nối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Voso, Postmart... với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn. Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lớn này sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu thương mại số.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử tiếp cận các giải pháp hiện đại để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.