Bộ Công Thương chủ động, hiệu quả trong triển khai Chính phủ điện tử
Tin hoạt động 12/02/2020 15:03
Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Xây dựng CPĐT là một việc lớn, do đó, phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương |
Về kết quả thực hiện CPĐT trong thời gian qua, Thủ tướng đánh giá kết quả rất đáng khích lệ và chỉ rõ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% Bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện. Đặc biệt, việc tuyên bố các doanh nghiệp (DN) an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho CPĐT.
“Một cách khái quát nhất là khả năng đột phá xây dựng CPĐT ở Việt Nam là rất cao, có thể rút ngắn so với nhiều nước khác” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và DN.
Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng CPĐT, đứng thứ 6/11 nước ASEAN và chỉ ra một số nguyên nhân, như: cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ và đây là khâu yếu, thấp điểm, trong khí một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”...
Từ những đánh giá này, đưa ra định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.
Tái khẳng định việc hoàn thiện thể chế phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử; việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định thay thế về công tác văn thư; Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020, chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả |
“Phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu, gồm: 100% Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; và 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, việc xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí và không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn.
Thủ tướng cũng kêu gọi các DN công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng CPĐT, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển CPĐT Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.
Bộ Công Thương chủ động, hiệu quả trong triển khai Chính phủ điện tử
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả triển khai thực hiện CPĐT của ngành Công Thương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, triển khai CPĐT, xây dựng dịch vụ công trực tuyến đã được Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia – đây cũng là những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và triển khai CPĐT - gắn với đẩy mạnh cải cách và hiện đại hoá hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các thành phần kinh tế.
Đưa số liệu minh chứng kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cho biết, đến nay, 292/292 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được thực hiện trực tuyến từ mức độ 2 trở lên, trong đó, 122 dịch vụ đạt cấp độ 3 và 44 dịch vụ đạt cấp độ 4.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, triển khai CPĐT, xây dựng dịch vụ công trực tuyến đã được Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và vượt kế hoạch đề ra |
Tất cả các dịch vụ công trực tuyến này đều được triển khai thực hiện trên Cổng dịch vụ công (CDVC) của Bộ Công Thương (chính thức hoạt động từ cuối năm 2016 với mô hình tương tự như CDVC quốc gia) và đến thời điểm này có trên 31 nghìn DN đăng ký sử dụng CDVC của Bộ Công Thương.
Riêng trong năm 2019, thông qua CDVC, Bộ Công Thương đã xử lý gần 155 triệu hồ sơ điện tử ở cấp độ 3 và 4, trong đó có trên 131 triệu hồ sơ được xử lý ở cấp độ 3 và trên 225 nghìn hồ sơ được xử lý ở cấp độ 4, tương ứng với 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương trong năm 2019 đã được xử lý trực tuyến.
Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xử lý trên 192 nghìn hồ sơ điện tử thông quan qua Cơ chế một cửa quốc gia, trong đó, riêng thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu D (C/O form D) xử dụng chung trong khối ASEAN, Bộ Công Thương đã xử lý thành công trên 137 nghìn hồ sơ.
“Ngay trong tháng 11/2019, trước khi chính thức khai trương CDVC quốc gia thì CDVC của Bộ Công Thương đã kết nối kỹ thuật thành công với CDVC quốc gia với hai nhóm dịch vụ, gồm: Cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi và đăng ký hoạt động khuyến mãi – những nhóm thủ tục có khối lượng hồ sơ lớn nhất thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương” – Bộ trưởng nói và cho biết tiếp nối thành công đó, đến cuối tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã đưa được 131 dịch vụ công ở cấp độ 3 và 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ lên CDVC quốc gia.
“Những kết quả trên đã khẳng định việc triển khai xây dựng và thực hiện CPĐT đã giúp cho các DN tiết kiệm thời gian, chi phí, tiếp cận tốt hơn những cơ hội, nhất là cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.
Nói về kinh nghiệm triển khai CPĐT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước hết, Bộ đã đánh giá, lựa chọn những thủ tục hành chính, những dịch vụ công có ảnh hưởng sâu và tác động lan toả rộng đến xã hội, đến đông đảo người dân và DN để xây dựng thành các dịch vụ công trực tuyến, như: hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi, hệ thống khai báo hoá chất nhập khẩu; quản lý hoạt động thương mại điện tử… để chuyển đổi thành dịch vụ công trực tuyến thay cho hình thức thủ tục trên giấy như trước.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Bộ Công Thương đã thực hiện việc thiết kế kỹ thuật sao cho dễ sử dụng nhất và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện.
Và từ thực tiễn công tác xây dựng, triển khai CPĐT tại Bộ Công Thương, đóng góp ý kiến để tiếp tục triển khai tốt hơn nữa công tác này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trước hết, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện quyết tâm cao, bám sát thực tiễn để kịp thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc biệt theo Bộ trưởng, phải thống nhất nhìn nhận CPĐT là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác cải cách hành chính và hoàn thiện thể chế pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, đánh giá và chỉ rõ những khó khăn, tồn tại để kịp thời tháo gỡ, khắc phục.
“Tiếp tục đôn đốc, giám sát, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến gắn với các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN” – Bộ trưởng bổ sung ý kiến và cho rằng, chúng ta cũng cần thực hiện tốt hơn công tác phối hợp, liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Công Thương nhằm đồng bộ hoá trong quá trình triển khai trong thời gian tới.