Kiến tạo môi trường đầu tư
Trên cơ sở khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh; kiên định, quyết tâm, dồn lực kiến tạo những giá trị mới, Quảng Ninh đang xây dựng được hình ảnh một điểm đến hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nền móng ban đầu vững chắc cho những gì Quảng Ninh đã làm được trong xây dựng hình ảnh một địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh "công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững" trước hết phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Cách đây 3 năm, ngày 9/4/2021, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong công tác lãnh đạo, cụ thể hóa mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Hoài Anh |
Với những nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 05-NQ/TU đã đi vào cuộc sống. Kết quả, Quảng Ninh 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI; đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Các chỉ số là những thang đo rất khoa học, phản ánh tiếng nói khách quan của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đặc biệt là những cán bộ đang thực thi tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã.
Điều này cũng được minh chứng bằng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước;
Quảng Ninh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021 - 2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, chuẩn hóa quy trình, thời gian giải quyết ngày càng được cắt giảm, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế ở Quảng Ninh đang được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Ảnh: Hoài Anh |
Để tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư về định hướng phát triển nhất quán, ổn định, từ năm 2012, Quảng Ninh thuê các tư vấn hàng đầu thế giới lập đồng thời 7 quy hoạch chiến lược. Đây là cơ sở quan trọng, công cụ để quản lý nhà nước, phương tiện giám sát của nhân dân và là niềm tin lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư.
Kế thừa những định hướng được xác định trong 7 quy hoạch này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bản quy hoạch được đánh giá hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển, được xây dựng bài bản, công phu, mở ra cơ hội mới, nguồn lực mới, động lực mới giúp Quảng Ninh tiếp tục xác lập những định hướng phát triển ổn định, dài hạn.
Cam kết mạnh mẽ, quyết liệt
Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó, vốn xã hội hóa chiếm trên 75% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn; các khu dịch vụ du lịch phức hợp, quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái đều mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tất cả đều đến từ những thương hiệu lớn của đất nước như VinGroup, Sun Group, BIM Group, Tuần Châu.
Hàng loạt công trình hạ tầng đường không, đường thủy, đường bộ, như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, công viên Đại Dương, Vinpearl Đảo Rều, khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh... được đầu tư ở Quảng Ninh đã khẳng định năng lực và khả năng đóng góp của khối tư nhân trong lĩnh vực này, tạo sự kết nối và bàn đạp cho sự phát triển của kinh tế địa phương.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm của Quảng Ninh gồm: TP. Hạ Long, khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Hoàng Dương |
Với những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2017 - 2023, toàn tỉnh có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011 - 2016. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh lên 16.718 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, tăng 50% so với năm 2015 (trước khi có Nghị quyết số 10-NQ/TU).
Theo ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Quan điểm phát triển của tỉnh là phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực.
Tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Đặc biệt, phát triển du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Với phương châm luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh và "Đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp", Quảng Ninh sẵn sàng trao đổi, cởi mở, chia sẻ tất cả các nội dung các đại sứ, doanh nghiệp quan tâm, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Qua đó, mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Từ góc nhìn độc lập, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Khác với nhiều địa phương, Quảng Ninh cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Là điểm sáng trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện; hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, với dư địa và không gian phát triển tiềm năng, Quảng Ninh tiếp tục được các nhà đầu tư chọn là điểm đến.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, Quảng Ninh cần thoát khỏi không khí chung là sự thận trọng, sợ sệt trong chính quyền. Các hoạt động cải cách hành chính và cả thiện môi trường kinh doanh cần có điểm mới, tiên phong so với các tỉnh, thành phố khác. Cơ cấu nhà đầu tư sẽ đa dạng hơn, chính vì vậy cần có sự cân bằng tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, để đón làn sóng mới trong đầu tư, tỉnh cũng cần chú trọng vấn đề về điện, đây cũng là những lo ngại mà các nhà đầu tư, sản xuất quan tâm" - ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.