Bộ Công Thương: Đa dạng giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics
Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…
Ngành logistics Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây |
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội chỉ rõ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, ngày 26/3/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam. Theo đó, Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số LPI do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo...
Bản Kế hoạch này được coi là phiên bản cập nhật của Quyết định 200 được ban hành năm 2017 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, bổ sung thêm một số biện pháp để cải thiện điều kiện kinh doanh về logistics, đặc biệt chú trọng tới việc cải thiện các vấn đề liên quan trực tiếp đến các chỉ số thành phần của LPI. Kế hoạch đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm: Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; Nhóm nhiệm vụ bổ trợ.
Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng có liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển ngành logistics ở trong thời gian tới sẽ là một ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng”, logistics đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững ở nước ta. Các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan nhằm mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tạo đột phá trong đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cho tương xứng, phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Ngoài ra, rà soát quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những tuyến, luồng vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao. Một mặt cần có những chính sách khuyến khích việc xã hội hóa trong đầu tư nhưng trước mắt cũng cần phải ưu tiên bố trí nguồn kinh phí ngân sách của Trung ương và địa phương đầu tư cho các hạng mục công trình trọng điểm ở khu vực được coi là địa kinh tế có tiềm năng phát triển ngành logistics. Khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp có tiếp xúc nhiều với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hội nhập và cạnh tranh nên càng phải chủ động, có chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Cũng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ logistics, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức trong hai ngày 22 và 23/11/2019 tại thành phố Đà Nẵng, trong đó Phiên toàn thể diễn ra sáng ngày 23/11 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì. Chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là "Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản". Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn cũng có 2 hội thảo chuyên đề về "Logistics kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây" và "Kinh tế chia sẻ trong logistics".
Diễn đàn năm nay sẽ có sự tham gia đông đảo của các đại biểu quốc tế là cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp logistics từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam.