Bộ Công Thương điều chỉnh chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Nhiều băn khoăn
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 68) không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong công tác triển khai. Cụ thể, theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp CCN cấp tỉnh tiếp tục được xây dựng, quản lý thực hiện dưới hình thức phương án phát triển CCN. Theo đó, phương án phát triển CCN là một nội dung của quy hoạch tỉnh, được xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, vì vậy một số các quy định về quản lý quy hoạch phát triển CCN theo Nghị định số 68 không còn phù hợp.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương): Xây dựng chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo hướng gia tăng vai trò của Sở Công Thương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp |
Nghị định số 68 cũng quy định trường hợp một CCN có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, căn cứ năng lực tài chính, kinh nghiệm của từng đơn vị và mức độ khả thi của báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn. Triển khai thực hiện quy định này, một số địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa… đã gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thẩm định hồ sơ, thành lập CCN. Do vậy có địa phương đề nghị phải đấu giá quyền sử dụng đất, có địa phương lại đề nghị thông qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Bày tỏ khó khăn thực tế tại địa phương, ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho hay: Năm 2012 Hưng Yên đã có quy hoạch CCN của tỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có CCN nào được thành lập. Trong khi đó, Nghị định 68 quy định, trên địa bàn 1 huyện đã có CCN thì cụm này phải đạt tỷ lệ lấp đầy 50% mới được thành lập mới CCN. Tuy nhiên, với những địa phương có nhiều CCN thì quy định này rất khó thực hiện, do vậy Dự thảo Nghị định cần có quy định mở hơn cho vấn đề này.
Bà Nguyễn Hoàng Quyên - Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương Đồng Nai cũng băn khoăn: Đồng Nai có dự án CCN đã hoàn thành giai đoạn 1, đang mở rộng sang giai đoạn 2. Tuy nhiên dự án lại không hoàn toàn là đất công nên địa phương rất băn khoăn có nên đấu giá quyền sử dụng đất hay không và đấu giá thì chủ đầu tư giai đoạn 1 có trúng thầu hay không?
Điều chỉnh phù hợp với thực tế
Với những vướng mắc đã phản ánh, Cục Công Thương địa phương đã xây dựng Dự thảo Nghị định điều chỉnh, bổ sung Nghị định 68 và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã thay thế phạm vi điều chỉnh từ nội dung “quy hoạch phát triển CCN” sang nội dung “phương án phát triển CCN” cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; giải thích cụ thể phương án quy hoạch phát triển CCN; quy định cụ thể căn cứ, tiêu chí, nội dung, trình tự xây dựng, tích hợp phương án phát triển CCN vào quy hoạch tỉnh trên cơ sở tiếp tục kế thừa, phát huy các nguyên tắc, tiêu chí, nội dung quản lý quy hoạch phát triển CCN tại Nghị định 68 đang phát huy hiệu quả, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quản lý CCN.
Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp thu hút đại diện 20 tỉnh, thành phố trên cả nước |
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ điều kiện thành lập CCN phải có trong phương án phát triển CCN nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt hoặc được Bộ Công Thương thống nhất với UBND cấp tỉnh theo quy định; quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong thẩm định, có ý kiến về sự phù hợp, đáp ứng các quy định đối với phương án phát triển CCN.
Đặc biệt, trong trường hợp 1 CCN có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN đáp ứng quy định. Theo Dự thảo Nghị định, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo phương pháp chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí. Căn cứ kết quả đánh giá, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định giao doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết thực hiện khoản này.
Với nội dung này, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra một số hướng dẫn trong thực hiện lựa chọn chủ đầu tư, gồm: Thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư; hồ sơ, tài liệu làm việc của Hội đồng; thời gian đánh giá lựa chọn chủ đầu tư; thang điểm của các tiêu chí cụ thể; nguyên tắc tính điểm, lựa chọn chủ đầu.
Đại diện các địa phương lắng nghe các ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 |
Nói về Dự thảo Nghị định, ông Ngô Quang Trung nhận định: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 theo hướng giao quyền nhiều hơn cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò của Sở Công Thương, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp.
Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cũng nhấn mạnh, theo Luật Quy hoạch 5 năm mới được điều chỉnh quy hoạch 1 lần, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh cũng như điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực CCN sẽ rất phức tạp. Do vậy, các địa phương sẽ phải cẩn thận, trong công tác lập quy hoạch hạn chế tối đa điều chỉnh bổ sung và phải dự báo được nhu cầu về CCN tại địa phương.