Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 8/2015
Tin hoạt động 08/09/2015 12:07
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo
Đánh giá chung
Trong 8 tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nước ta, nhưng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động ứng phó của các bộ, ngành, địa phương và với những giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời vừa qua, về tổng thể chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tổng cầu và sức mua được cải thiện; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao; Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng; tỷ lệ nhập siêu 8 tháng đầu năm vẫn ở mức kiểm soát (bằng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; mục tiêu Quốc hội đề ra là 5%).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới sau khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta.
Về tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể
Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 1,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9% so với tháng 8/2014. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 5,3%; năm 2014: 6,3%).
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ: so với cùng kỳ năm trước, IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước: năm 2013 tăng 6,5%; 2014 tăng 8,1%.
Riêng về sản lượng khai thác dầu thô trong nước: tháng 8 ước đạt 1,3 triệu tấn, giảm 8,5% so với tháng trước, nhưng tăng 2,7% so với tháng 8/2014; tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 11,12 triệu tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu:
Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm, ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 14,1%); trong đó: xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực doanh nghiệp trong nước giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 11,1%) do các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của khu vực doanh nghiệp này (nông, thủy sản) giảm cả về nhu cầu thị trường lẫn giá xuất khẩu.
Về mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 18,6% so với cùng kỳ; nông, lâm, thủy sản giảm 10,2% và nhiên liệu, khoáng sản giảm 46,5%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm so với cùng kỳ 2014 chủ yếu do sản lượng và giá xuất khẩu giảm; riêng xuất khẩu dầu thô: giảm 0,6% về lượng nhưng giảm 48,7% về kim ngạch do giá giảm 48,4%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 12%); trong đó: khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,2 tỷ USD, tăng 23,2%; khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 7,7%.
Kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu tăng cao cho thấy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi ổn định.
Về cân đối xuất - nhập khẩu: 8 tháng đầu năm nhập siêu khoảng 3,6 tỷ USD, bằng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó: khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu gần 9,4 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 13 tỷ USD.
Về giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước; tăng 0,61% so với tháng 12/2014. So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 8 tăng 0,61%, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 0,83%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm so với tháng trước chủ yếu do: (i) Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm trong các ngày 20/7; ngày 4/8; ngày 19/8 và ngày hôm qua 3/9 do giá dầu thế giới giảm, đã tác động làm giảm chỉ số giá nhóm giao thông (giảm 2,12%); (ii) Giá gas trong nước điều chỉnh giảm theo giá gas thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, trong tháng 8, do thời tiết đã bớt nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ cho tiêu dùng thấp hơn tháng trước nên cũng góp phần làm giảm chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng.
Về công tác quản lý thị trường: Kết quả thực hiện công tác quản lý thị trường trong tháng 8 năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 13.800 vụ, xử lý trên 8.400 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách 37,3 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện xử lý trên 70.100 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 299 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ họp báo, Người phát ngôn Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các Đơn vị thuộc Bộ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí.
Phóng viên Thanh Hoàn - Báo An ninh thủ đô: Bộ Công Thương có biện pháp gì để đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học? Nguồn cung xăng E5 hiện nay liệu có đủ nếu các tỉnh đồng loạt triển khai bán?
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Nguyễn Phú Cường trả lời:
Về vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học Chính phủ đã có sự chỉ đạo sát sao. “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Sau đó, Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ những cơ sở này, một loạt biện pháp được triển khai để đưa xăng sinh học vào sử dụng theo đúng lộ trình, từ khâu cung cấp nguồn là các nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra các tỉnh, thành phố trong lộ trình giai đoạn 1 được lựa chọn để sử dụng xăng sinh học (xăng E5) cho phương tiện cơ giới đường bộ (7 tỉnh thành phố). Cuối tháng 6/2015, các số liệu báo cáo về kết quả giai đoạn vừa qua đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, tạo điều kiện cho Chính phủ ban hành các Quyết định, Chỉ thị về đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học.
Về nguồn cung, theo tính toán của Bộ Công Thương, trong nước hiện nay tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn xăng/năm. Với nguồn cung xăng E5 (phối trộn 5%) và E10 (phối trộn 10%), nước ta hiện đang có 4 nhà máy sản xuất Ethanol E100, đảm bảo cung cấp đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên gần đây, vấn đề ảnh hưởng lớn đến sản xuất Ethanol là giá nguyên liệu dầu thô xuống thấp, khiến giá xăng giảm tạo sức ép giá cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, sản xuất xăng E5. Tuy nhiên, để đảm bảo lộ trình, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và DN phải làm sao đáp ứng đủ nguồn cung để đảm bảo nhu cầu trong nước, thực hiện đúng lộ trình đề ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Xăng sinh học là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có nhiều cuộc họp và chỉ đạo về vấn đề này. Năm 2014, khi xây dựng dự thảo và ban hành Nghị định 83 về quản lý, điều hành xăng dầu (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2014), Ban soạn thảo đã đưa ra việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng khoáng RON 92 để tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng RON 92 ít nhất là 300 đồng/lít nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo sát sao đến các tỉnh, thành phố trên cả nước về lộ trình sử dụng xăng E5. Đến nay, một số tỉnh đã có lộ trình chỉ bán xăng E5. (gần đây nhất Tp. Hồ Chí Minh đã quyết định đến hết năm 2015 sẽ chỉ bán xăng E5).
Trong vấn đề điều hành xăng dầu, điều quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo có đủ xăng dầu để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đặc biệt với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục giảm như Quý IV năm 2014 và như thực tế hiện nay, việc đảm bảo có đủ lượng xăng dầu dự trữ và phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của nhân dân là hết sức quan trọng. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp các Bộ, ngành liên quan thực hiện đúng quy định của Nghị định 83/NĐ-CP và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, trong đó có xăng E5.
Phóng viên Mạnh Quân - Báo Thanh niên: EVN và TKV cho biết lỗ hàng ngàn tỷ đồng do biến động tỷ giá và đề nghị phân bổ vào chi phí giá điện. Bộ Công Thương có ý kiến gì về đề nghị này? Lãnh đạo Bộ cho biết đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tính toán lại biểu giá điện. Việc này bao giờ sẽ hoàn thành để trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Phóng viên Hoàng Yến – Đài Truyền hình Việt Nam: Việc thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ đã khiến 3 tập đoàn thuộc Bộ như EVN, PVN, TKV có thể bị lỗ hàng nghìn tỷ do phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án. Vậy Bộ Công Thương có thể cho biết liệu khoản lỗ đó có bị tính vào giá bán cho người tiêu dùng ở từng loại hay không?
Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc trả lời:
Với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thì doanh nghiệp (DN) có hợp đồng vay vốn ngoại tệ để đầu tư, nguyên vật liệu đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có EVN và TKV tính toán ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá. Khi các đơn vị có báo cáo Cục sẽ cân đối xem khả năng chịu đựng của DN ảnh hưởng tới chi phí bán lẻ như thế nào, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể với lãnh đạo. Nếu có chênh lệch tỷ giá lớn sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về hướng giải quyết chênh lệch tỷ giá này như thế nào.
Nếu chênh lệch tỷ giá lớn sẽ ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh và người dân.
Theo quy định của Luật Điện lực, Biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định. Sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo, Cục đã yêu cầu EVN tính toán các phương án biểu giá bán lẻ điện. EVN đã có phương án báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 8. Lãnh đạo Bộ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu EVN trong tháng 9 tổ chức hội thảo ở cả 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, sau đó tổng hợp hoàn thiện đề án. Trong tháng 10 sẽ tập hợp hoàn thiện báo cáo các phương án trình Bộ Công Thương, Cục ĐTĐL có trách nhiệm thẩm tra, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét và báo cáo Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Đối với các mặt hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng điện), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương luôn quan tâm và cân nhắc rất kỹ bất cứ điều chỉnh nào liên quan đến giá, vì sự điều chỉnh dù là nhỏ nhất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ xem xét kỹ lưỡng, quyết định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Còn ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... nghiên cứu, đề ra giải pháp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phóng viên: Tình hình mưa lũ liên tiếp vừa qua ở Quảng Ninh và một số tỉnh thành, có ảnh hưởng gì tới việc đảm bảo điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hay không?
Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc trả lời:
Đối với công tác đảm bảo điện, ngay từ đầu năm Cục Điều tiết điện lực đã có phương án đảm bảo điện trong mưa lũ. Trong kế hoạch cung cấp điện của năm chúng tôi đã lập 3 phương án: phương án cơ sở (tăng 10,5%), phương án cao (tăng 11,2%) và thấp. Trong quyết định kế hoạch Cục đề xuất theo phương án cơ sở. Trên thực tế hiện nay, xu hướng cung ứng điện đang đi theo phương án cao, nên trong việc điều hành cung ứng điện Cục không bị động, vẫn đảm bảo cung ứng điện. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa khô nắng nóng, khô hạn chúng ta cũng đã vượt qua.
Vừa qua, có một số báo đưa tin khả năng thiếu hụt 5 tỷ kWh. Kế hoạch cung cấp điện năm nay khoảng hơn 160 tỷ kWh, trong đó khoảng 60 tỷ kWh cung cấp phát từ các nguồn thủy điện. Hiện nay, theo EVN tính toán thiếu hụt khoảng 5 tỷ kWh so với kế hoạch đầu năm về các nguồn thủy điện. Đây là số liệu cập nhật đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, những tháng cuối năm có thể thủy văn biến động và số liệu có thể khác. Nếu thiếu 5 tỷ kWh từ thủy điện cũng đã có phương án huy động nguồn nhiệt điện để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất kinh tế và đời sống xã hội.
Đối với việc mưa lũ, lụt lội, trong chỉ đạo chung của Bộ Công Thương đã có Ban phòng chống lụt bão thiên tai và phòng chống cứu nạn. TKV và EVN cũng đã thường xuyên có phương án ứng cứu. Trong trường hợp như vừa qua, lụt lội ngập các hầm than ở Quảng Ninh nhưng các nhà máy đều có nguồn than dự trữ nên vẫn đảm bảo cung ứng điện.
Trước mùa mưa bão chúng tôi cũng đã đi kiểm tra và khi mưa bão xảy ra đều có phương án, ứng cứu, giải quyết sự cố nhanh nhất. Các trạm điện ở Quảng Ninh vừa qua, nước rút đến đâu công nhân điện lực tiến hành vệ sinh trạm và thực hiện phát điện cho người dân sớm nhất có thể.
Thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục giám sát để đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Phóng viên Cầm Văn Kình - Báo Tuổi trẻ: Bộ Công Thương có thông báo 4911/BCT-TCCB v/v kéo dài thời gian giữ chức vụ cho bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Tổng giám đốc Sabeco). Việc này được Quyết định chỉ với 1 văn bản thông báo do Vụ trưởng ký có đúng quy trình? Bộ Công Thương đã xin ý kiến Bộ Nội vụ chưa? (Bộ Nội vụ khẳng định chưa nhận được).
Xin cho biết lý do phải kéo dài thời gian cho bà Hạnh, có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương có ý đồ trong việc kéo dài này, để không cho cán bộ có năng lực lên chức, để dành chức cho người được cử về Sabeco?
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Trung Thành trả lời:
Theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Sabeco - là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Bộ Công Thương. Việc giới thiệu bà Phạm Thị Hồng Hạnh làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco và việc thực hiện chính sách cán bộ đến tuổi nghỉ hưu đều thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Theo ủy quyền của Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã ký Thông báo số 4911/BCT-TCCB là đúng thẩm quyền và không phải xin ý kiến của Bộ Nội vụ.
Theo hồ sơ quản lý cán bộ, đến tháng 12/2015, bà Hạnh đủ 55 tuổi và mới đến tuổi nghỉ hưu, Bộ Công Thương sẽ xem xét việc nghỉ hưu đối với cán bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Vấn đề nhân sự Lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, trong đó có các Tập đoàn, Tổng Công ty... là hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định nội bộ. Về trường hợp của bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Bia rượu –Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Có thể khẳng định, các nội dung quyết định của Bộ Công Thương đối với bà Phạm Thị Hồng Hạnh là đúng thẩm quyền và đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Phóng viên Tuấn Anh - Báo Diễn dàn Doanh nghiệp: Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Xin ông cho biết đến thời điểm này, ngoài Vedan, có DN Việt Nam nào tham gia không? Nếu áp dụng biện pháp tự vệ thì mức thuế dự kiến là bao nhiêu? Theo ông, điều này có làm giảm bột ngọt nhập từ TQ và một số nước?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam trả lời:
Ngày 1/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 9269/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Vedan là một trong những nguyên đơn có đủ tỷ lệ phần trăm về sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài Vedan còn có Ajinomoto tham gia ủng hộ. Như vậy, toàn bộ hồ sơ liên quan đến quy định về các biện pháp tự vệ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và hiệp định về tự vệ của WTO.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thời hạn điều tra không quá 6 tháng, kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra; trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo. Trong quá trình điều tra, có những vụ việc phải điều tra tại chỗ, có khi phải tiến hành cả ở nước ngoài.
Phải tổng hợp được những số liệu, dữ liệu, mới tính toán được mức độ phòng vệ cần áp dụng như thế nào để làm sao sản xuất trong nước bình thường trở lại. Chính vì vậy, mức thuế cụ thể được áp dụng cho sản phẩm này chưa trả lời được do cần phải chờ các điều tra viên nắm bắt số liệu cụ thể để đề xuất biên độ tự vệ. Hy vọng sau 6 tháng kể từ khi áp dụng điều tra sẽ có lời giải.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi đã áp dụng các biện pháp tự vệ thì đều có tác động tích cực đến thị trường trong nước. Cụ thể, thời gian qua, ta đã áp dụng biện pháp tự vệ với dầu thực vật tinh luyện và nhập khẩu sản phẩm này từ các nước xung quanh đã giảm đáng kể. Tự vệ áp dụng đúng chắc chắn giúp sản xuất trong nước có điều kiện phục hồi.
Phóng viên Nguyễn Thảo - Báo Điện tử Diễn đàn đầu tư BizLive: Tỷ giá ảnh hưởng đến một số mặt hàng xuất khẩu nông sản, dệt may như thế nào? Đánh giá tác động của tỷ giá lên giá ô tô nhập khẩu vào Việt Nam?
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trả lời:
Giữa tháng 8, Trung Quốc phá giá động nhân dân tệ (NDT). Từ đầu năm đến nay một số nước đồng tiền cũng giảm giá. Nhưng đối với Trung Quốc là nền kinh tế lớn, việc giảm giá đồng NDT đã tác động đến các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đối với mặt hàng dệt may, da giày là những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế gia công rất lớn và chúng ta đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Trong chuỗi giá trị đó, chúng ta đang sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng NDT giảm giá, giúp cho DN của chúng ta trong lĩnh vực dệt may, da giầy tiếp cận với nguồn nguyên liệu rẻ hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc khi NDT giảm giá, xuất khẩu nói chung sẽ khó khăn. Hiện nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa nhiều, chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Tiêu dùng ở các tỉnh biên giới Trung Quốc là chủ yếu, người dân Trung Quốc vẫn phải tiêu dùng rất nhiều nên xuất khẩu không bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, những mặt hàng có khối lượng xuất khẩu lớn như sắn và cao su về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Về ô tô, thời gian qua ôtô nhập khẩu nói chung tăng từ các địa bàn khác nhau: Thái Lan, Ấn Độ và cả Trung Quốc. Ô tô nhập từ Trung Quốc gồm nhóm từ 10 – 45 tấn, xe chuyên dùng. Đây là nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của Bộ Công Thương đến tháng 6, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc là 16.925 chiếc, trị giá 653 triệu USD. Con số này tăng so với năm ngoài.
Yếu tố làm gia tăng nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc gồm: Lợi thế lớn nhất là vận chuyển bằng đường bộ bằng xe tải khiến chi phí đưa sang Việt Nam rất thấp; kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải gia tăng; hạ tầng tốt lên nên việc nhập khẩu ô tô, đặc biệt là ô tô tải và các phương tiện chuyên dùng có sự gia tăng.
Phóng viên Thúy Phương - VTC 10: Hiện nay DN còn sợ hội nhập do thiếu thông tin hội nhập. Các hội thảo tổ chức còn chung chung, chưa cụ thể. Bộ có giải pháp gì cho vấn đề này?
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế Trịnh Minh Anh trả lời:
Xin khẳng định, các thông tin về hội nhập không hề thiếu. Tôi xin trích dẫn câu nói: “Thông tin hội nhập rất sẵn có trên cổng thông tin các bộ, ngành, từ nội dung cam kết của các FTA đã ký cho đến các FTA đang đàm phán và các thông tin khác về các cơ hội, thách thức”. Đây là câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều ngày 28/8 tại hội nghị trực tuyến do 3 phó thủ tướng chủ trì tại Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe các phàn nàn về thiếu thông tin hội nhập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã truy cập ngay vào các trang web của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan và trả lời như vậy.
Vì sao hiện nay có DN sợ hội nhập? Tôi khẳng định là giai đoạn nào, nước nào cũng có doanh nghiệp sợ hội nhập. Riêng ở giai đoạn này có 2 lý do chính:
Thứ nhất, hội nhập bây giờ khác với 8 năm trước khi chúng ta vào WTO. Trước kia khi vào WTO thì thông tin điện tử, mạng, báo, đài không nhiều như bây giờ. Khi đó chỉ có Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và một số bộ chủ chốt tham gia đàm phán, dẫn dắt đàm phán thì đưa ra thông tin chính thống. Những cam kết về đàm phán lúc đấy đã đưa ra là chính thống, ít nhưng chất lượng, trọng tâm trọng điểm. Bây giờ, thông tin phát triển, báo đài đưa tin rất nhanh. Các bộ ngành cũng tích cực đưa tin tình hình đàm phán, cam kết hội nhập. Các phóng viên cũng rất tích cực truy cập các thông tin từ các tổ chức khác nhau trên thế giới như WB, IMF... thậm chí cả các trang không chính thức như Wikileaks, trích dẫn ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia khác nhau... Thông tin, ý kiến nhiều chiều khiến doanh nghiệp bây giờ giống như người lần đầu vào ăn buffet, nhiều quá không biết chọn món gì, đôi khi thấy hoảng. Bởi vậy, DN hiện giờ sợ là vì nhiều thông tin và bị rối thông tin.
Thứ hai, hiện không riêng gì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... mà nhiều cơ quan, tổ chức tư nhân, viện, trường… cũng đăng tin, tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo, phổ biến thông tin hội nhập. Tôi khẳng định, hội thảo, lớp đào tạo nào do Bộ Công Thương tổ chức thì đảm bảo chất lượng, tổ chức cho địa phương, ngành hàng nào đều cụ thể, rõ ràng. Còn các hội thảo khác, có khi đưa thông tin quá chi tiết. Diễn giả khi trình bày về hiệp định thì phân tích rất kỹ từng dòng thuế, từng điều khoản cam kết. Có nhiều loại hình DN khác nhau tham dự một lớp học mà đưa vào nội dung quá chi tiết không liên quan nhiều là người ta nản. Có hội thảo, hay chuyên gia thì truyền tải thông tin theo kiểu “hội nhập có rất nhiều cam kết khó thực hiện, DN yếu hội nhập là chết, nguy hiểm lắm, thách thức nhiều lắm trong khi cơ hội chưa thấy đâu...”. Cả hai kiểu nêu trên đều gây hoang mang cho DN.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn tích cực triển khai thông tin tuyên truyền về hội nhập, đã phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau từ hình từ hội nghị, hội thảo, biên soạn ấn phẩm, tài liệu, tuyên truyền qua báo chí đến hình thức hiện đại như điểm hỏi đáp trên mạng, chuyên mục trên truyền hình hay tọa đàm trực tuyến...
Tuy nhiên, để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Công Thương chủ động xây dựng Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Đề án đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cả nước tại 4 hội nghị lớn tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cả 4 hội nghị này đều có lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp chủ chì và có sự tham gia của lãnh đạo một số đoàn đàm phán.
Các Vụ Thị trường, Cục Xúc tiến thương mại… cùng tham gia và kết hợp trình bày, giải thích cho DN các vấn đề hội nhập. Chúng tôi đang hoàn thiệu và dự kiến cuối quý III, đầu quý IV sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, có 4 điểm mới, giải pháp mới đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền:
Một là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành tránh tình trạng chồng chéo. Thời gian qua có tình trạng nhiều hội thảo tập trung ở các thành phố lớn, trong khi các vùng sâu vùng xa thì ít thông tin.
Hai là, có trọng tâm trọng điểm rõ ràng: tập trung các nội dung chính, thị trường chính mà doanh nghiệp quan tâm.
Ba là, có kế hoạch tổng thể theo từng năm và chi tiết theo từng quý, tháng; có sự phân công trong Bộ Công Thương và các bộ ngành khác.
Bốn là, xây dựng, biên soạn 1 bộ tài liệu chuẩn và tiếp tục phổ biến thông tin dưới nhiều loại hình. Chúng tôi cũng đề xuất thành lập bộ phận giải thích cam kết giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Trước đây khi vào WTO, chúng tôi làm việc này rất tốt.
Trong thời gian qua Bộ Công Thương đã:
- Tổ chức và dẫn dắt toàn bộ tiến trình đàm phán và ký kết các hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường;
- Đi đầu trong việc chế định hoá các cam kết hội nhập vào hệ thống luật pháp, chính sách;
- Tổ chức và quản lý tốt các ngành kinh tế đạt hiệu quả cao và đóng góp quan trọng vào ổn định thị trường trong nước;
- Tích cực triển khai và đi đầu trong việc thông tin tuyên truyền, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, tham gia thành công vào tiến trình hội nhập.
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt hơn các công việc trên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Việt Nam được thế giới đánh giá là Quốc gia tích cực trong việc đàm phán và chủ động hội nhập quốc tế (trong đó có hội nhập quốc tế về kinh tế). Bộ Công Thương ngoài việc chủ động và tích cực tham gia đàm phán còn chủ động trong việc cung cấp thông tin về kết quả Đàm phán của các Hiệp định đã được ký kết, thậm chí kể cả các Hiệp định sẽ được ký kết trong tương lai gần (ví dụ như: FTA Việt Nam – EU, TPP...). Về việc cung cấp thông tin của các Hiệp định thương mại tự do, theo Tôi, đối với các Bộ, ngành tham gia đàm phán (trong đó có Bộ Công Thương) thì quan trọng nhất là soạn tài liệu thông tin chính thức (với yêu cầu đầy đủ, dễ hiểu, chi tiết cho từng thị trường, mặt hàng, từng dòng thuế...), sau đó sẽ cung cấp, phổ biến ( tổ chức hội thảo, tọa đàm, cung cấp thông tin dưới dạng ấn phẩm, cũng như phần mềm...) đến các đối tượng quan tâm (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...), sau đó sẽ được tiếp tục nhân bản, phổ biến... Các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin, phổ biến cho các thành viên của mình là các doanh nghiệp để có thể chủ động tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại, đồng thời đối phó với các thách thức, khó khăn.
Nhân dịp này, Tôi xin đề nghị các Quý Phóng viên khi đăng tải, đưa thông tin về nội dung này cần nêu rõ cụ thể, chính xác. Ví dụ: có Bài báo đã viết: “Doanh nghiệp Việt Nam hoảng hốt“ khi nghe thông tin về các Hiệp định thương mại tự do FTA. Chưa nói về độ chính xác của Bài báo, đề nghị cần làm rõ, cụ thể hơn: Doanh nghiệp được Bài báo đề cập là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào, kinh doanh nhập khẩu hay xuất khẩu, quy mô doanh nghiệp... Có thể khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nông lâm thủy sản, vận tải... chắc chắn sẽ vui mừng vì được hưởng lợi rất nhiều từ các FTA đã và sắp được ký kết. Đề nghị khi đề cập đến vấn đề này, cần đưa ra con số cụ thể, chính xác hoặc có cách nhìn tổng thể khách quan, chính xác để độc giả có thể hiểu đúng cả về cơ hội và thách thức do các FTA mang lại.
Phóng viên Nguyễn Thảo – Báo Điện tử diễn đàn đầu tư Bizlive: Thị trường thực phẩm chức năng thật giả lẫn lộn. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thế nào? Từ đầu năm đến nay QLTT xử lý bao nhiêu trường hợp.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam, trả lời:
Thực phẩm chức năng là vấn đề hết sức quan trọng vì liên quan đến sức khỏe, do vậy, nhiều người dân quan tâm tìm hiểu. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng cao. Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh mặt hàng này. Bên cạnh các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng luật pháp về thực phẩm chức năng, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm pháp luật. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ và có vụ đã thu giữ đến 20 tấn thực phẩm chức năng.
Trước tình hình như vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường đã rất quan tâm đến vấn đề này. Gần đây, Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ban hành Công điện số 90 ngày 3/7/2015 về phát động tháng cao điểm, chống buôn lậu về sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 7219/ BCT-QLTT ngày 17/7/2015 về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Cục quản lý thị trường đã ban hành công văn số 1131 yêu cầu các chi cục quản lý thị trường địa phương thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ.
Qua kiểm tra, có thể thấy các các hành vi vi phạm chủ yếu là nhập lậu, quảng cáo không đúng sự thật, quá hạn sử dụng… Đây là những vi phạm chính. Gần 2.000 vụ vi phạm bị quản lý thị trường xử lý riêng về ngành hàng dược phẩm, mỹ phẩm trong đợt vừa qua. Riêng đợt cao điểm từ 15/7 - 15/8, Quản lý thị trường đã điều tra phát hiện trên 600 vụ và phạt hành chính 32 tỷ đồng, giá trị hàng hóa thu giữ là 10 tỷ đồng.
Bên cạnh việc kiểm tra kiểm soát thị trường cần đề ra giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý về thực phẩm chức năng. Đặc biệt, phải làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn việc mua bán và sử dụng thực phẩm chức năng hợp lý. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Công Thương phải giúp người tiêu dùng hiểu rõ về thực phẩm chức năng, biết được tác dụng của các thực phẩm này đến đâu để có biện pháp sử dụng hợp lý.
Phóng viên Mai Hương – Báo Nông thôn ngày nay: Giá dầu giảm tác động đến việc giảm giá thành sản xuất điện như thế nào? Các chi phí thuế với xăng dầu có thể giảm bớt để giá xăng dầu có thể giảm nữa hay không?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Về nội dung giá xăng dầu giảm liệu có tác động đến giá sản xuất điện hay không?
Chỉ có khoảng 1% sản lượng điện được sản xuất có liên quan đến xăng dầu. Do đó, việc xăng dầu thành phẩm giảm giá thời gian qua, có thể nói không ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện hiện nay.
Về việc các chi phí thuế với xăng dầu có thể giảm bớt để giá xăng dầu có thể giảm nữa hay không?
Theo quy định hiện hành, cơ cấu của giá xăng dầu bao gồm các khoản thuế (hiện nay gồm 5 loại thuế: nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường - 3000 đồng/lít đã được Quốc hội thông qua - và phí trích lập Quỹ bình ổn), chiếm khoảng 43% so với giá bán lẻ xăng dầu. Trong đó, chỉ riêng tiền thuế bảo vệ môi trường đã chiếm hơn 16% giá bán xăng dầu. Hiện nay, có thể khẳng định việc điều hành quản lý xăng dầu theo Nghị định 83/NĐ-CP được thực hiện công khai, minh bạch, tiệm cận với diễn biến của giá xăng dầu thành phẩm thế giới: khi giá thị trường thế giới cao thì giá trong nước cao, giá thị trường thế giới thấp thì giá trong nước thấp. Trong thời gian gần đây, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung có xu hướng giảm. Vì vậy, kể cả lần điều hành giá xăng dầu ngày 03 tháng 9 vừa qua, giá xăng dầu đã có 5 lần liên tiếp giảm, và từ đầu năm đến nay đã giảm 7 lần, với tổng giá trị giảm là 5.577 đồng/lít xăng RON92.
Xin cung cấp thêm thông tin: Có thể so sánh giá xăng dầu thành phẩm của chúng ta với tất cả các nước trên thế giới và với các nước láng giềng. Các bạn có thể vào trang - Globalpetrolprices.com - trang về giá xăng dầu toàn thế giới để tham khảo. Lần điều hành giá xăng dầu ngày 19/8/2015, Việt Nam đứng thứ 47/174 quốc gia (từ dưới lên) về giá thấp, với 0,86 USD/lít (thấp nhất là Venezuela); Campuchia là 1,29 USD/lít; Lào là 1,08 USD/lít… So với Việt Nam, giá xăng của Hồng Kông cao gấp đôi; Hà Lan có mức 1,80 USD/lít… Chắc chắn sau lần điều hành ngày 3/9/2015 vừa qua, thứ bậc của Việt Nam sẽ còn thấp hơn nữa, vì chúng ta giảm gần 1.200 đồng/lít xăng. Vì vậy, việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của nhà nước ngoài việc đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng cần phải đảm bảo an ninh năng lượng, cần xem xét tổng thể tình hình thực tế, giá cả xăng dầu giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước có đường biên giới với chúng ta, nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng buôn lậu.
Phóng viên Thúy Phương -VTC 10: Hàng Thái Lan đang có sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam. Nông sản Thái Lan đang có dấu hiệu vượt mặt cả nông sản Trung Quốc tại Việt Nam. Xin Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân và đưa ra giải pháp để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Thái Lan là nước có rất nhiều những mặt hàng cạnh tranh với các hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý gần sát, thuận lợi trong việc đưa hàng hóa vào nước ta. Hàng Thái Lan lại tương đối phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Nhiều mặt hàng của Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng do có mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng tốt.
Một số giải pháp đề ra như sau:
Thứ nhất, là đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thực tế, trong 5 năm qua, Cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả tốt. Bộ Công Thương chính là đơn vị đi đầu trong hoạt động này.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm giá bán để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện nay và trong thời gian tới, ta sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ở nhiều quy mô, cấp độ sang Thái Lan đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, biên giới và hải đảo… tăng cường chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông để khuyến khích, vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam.
Phóng viên kênh truyền hình nông nghiệp nông thôn: Xuất khẩu nông sản 8 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà giảm mạnh. Xin cho biết giải pháp thúc đẩy xuất khẩu từ nay đến cuối năm?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cụ thể đối với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương, các giải pháp là: 1) đẩy mạnh việc Đàm phán các Hiệp định thương mại tự do FTA để mở rộng thị trường; Với tất cả các FTA ta đã và sắp ký kết, một trong các mặt hàng được hưởng lợi nhiều chính là mặt hàng nông sản. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. 2) tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường, về mặt hàng cho các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan. 3) Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. 4) Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam kể cả xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.
Phóng viên Nguyễn Hương – ANTV: Ngành da giầy Việt Nam hiện vẫn bỏ ngỏ thị trường trong nước. Chúng ta sẽ làm gì để giải quyết?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Cuộc vận đồng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đóng vai trò rất quan trọng và đã phát huy được tác dụng tích cực. Đối với mặt hàng Dệt may chúng ta đã làm rất tốt. Theo tôi, ngành da giầy và túi xách cũng có thể học được nhiều kinh nghiệm từ mặt hàng dệt may, sản phẩm da giày, túi xách của chúng ta đã xuất khẩu được sang các thị trường có yêu cầu chất lượng rất cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Nhưng tại Việt Nam, chúng ta phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan về giá, mẫu mã… Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu chất lượng rất tốt, nhưng chưa đầu tư đúng mức để có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, giá thành còn cao... Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải hướng tới thị trường nội địa nhiều hơn, chứ không chỉ chú trọng đến xuất khẩu. Đặc biệt, mẫu mã phải phù hợp. Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm thị trường trong nước.
Phóng viên Nguyễn Văn Chương - Tạp chí đồ uống VN: Giải pháp ngăn chặn tình trạng rượu giả, rượu nhập lậu?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm… (trong đó có việc ngăn chặn rượu nhập lậu, rượu giả…) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tập trung đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, phối kết hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan nhằm từng bước đẩy lùi quốc nạn này.