Rượu là mặt hàng có tính phổ biến cao trên thị trường, xét cả trên khía cạnh tiêu thụ cũng như sản xuất kinh doanh. Trong quản lý, đây là mặt hàng cần quản lý chặt. Do đó, thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh để bảo đảm hiệu lực của quản lý nhà nước với mặt hàng đặc thù này.
Bạn đọc có thể xem nội dung bài phỏng vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại: |
Thực tế, trên thị trường có nhiều hình thức sản xuất kinh doanh rượu. Một là, các cơ sở sản xuất rượu thủ công hoặc công nghiệp, phục vụ cho nhu cầu tái chế biến ra các loại rượu phục vụ người dân. Hai là, các nhà máy rượu được đăng ký với nhãn mác và sản phẩm cụ thể, hình thành các sản phẩm cuối cùng phục vụ thị trường. Ba là, rượu người dân tự nấu, tự tiêu thụ và không chịu bất cứ hình thức quản lý sản xuất kinh doanh nào.
Với 2 loại hình đầu, đã quản lý tương đối tốt thời gian qua, cả về sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, loại rượu người dân tự nấu, tự tiêu thụ, không đăng ký nhãn mác thì không chịu sự quản lý nào. Đối với quy mô số hộ dân và mức độ phổ biến của loại hình này thì rất khó có được sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả và thực tế đã tồn tại nguy cơ liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng từ những loại rượu chưa quản lý được.
Trước thực tế đó, sắp tới, Bộ Công Thương có giải pháp gì để siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh loại rượu này, thưa Bộ trưởng?
- Biện pháp đầu tiên là các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định được đặc thù của loại hình sản phẩm này, cả khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ để có được khung khổ pháp lý điều chỉnh và quản lý, bảo đảm yêu cầu không chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có những mục tiêu xã hội khác nữa. Bên cạnh đó, cần làm rõ để người dân biết tính chất của sản phẩm này, cũng như những vấn đề đặt ra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức công tác thực hiện việc chấp hành pháp luật trong quản lý loại hình rượu tự nấu. Vì thực tế, hàng loạt khung khổ pháp lý như Luật An toàn thực phẩm, Luật Hóa chất… đã có; hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn về rượu, nhưng do có những khoảng trống về quản lý rượu tự nấu nên còn lúng túng. Chưa kể, còn có sự buông lỏng về quản lý nhà nước đối với loại hình này, đặc biệt là ở địa phương, dẫn đến hậu quả đau lòng là đã có người thiệt mạng liên quan đến rượu độc, rượu giả.
Từ 3 yếu tố trên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết loại bỏ các loại rượu độc, rượu giả và rượu có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng bằng nhiều cách. Mà việc làm cụ thể nhất là rà soát lại tất cả khung khổ pháp lý. Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 02 về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, có hiệu lực thi hành ngày 14/3/2017, trong đó yêu cầu các đơn vị của Bộ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định về sản xuất và kinh doanh rượu để bảo đảm tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh, trong đó có rượu tự nấu phải được quản lý chặt chẽ.
Kinh doanh rượu tự nấu - hiểm họa khó lường cho sức khỏe của người dân - đang được Bộ Công Thương siết chặt quản lý |
Song song đó, có sự rút kinh nghiệm để tổ chức lại công tác tổ chức pháp luật. Đặc biệt, phải đẩy mạnh khâu hậu kiểm, giảm bớt thủ tục hành chính. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương, trong đó, năng lực, sự chủ động vào cuộc và phối hợp của chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, kể cả trong chấp hành pháp luật, nội dung quy định pháp luật và hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với chính quyền Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xây dựng 2 chương trình phối hợp mang tính trọng điểm về tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý về các loại phụ gia, hóa chất thực phẩm. Đây sẽ là chương trình trọng điểm trong năm 2017 nhằm tạo ra những chuyển biến căn bản tại các trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước, xây dựng những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là đề ra những biện pháp của Trung ương và địa phương để tạo sự chuyển biến về an toàn thực phẩm trong vấn đề rượu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khung hình phạt với hình thức sản xuất rượu thủ công, truyền thống hiện mới dừng ở xử phạt hành chính, trong khi hậu quả có thể gây chết người. Theo Bộ trưởng, có cần kiến nghị tăng mức xử phạt với những hành vi kinh doanh và nấu rượu giả?
- Với vấn đề này, có 2 việc cần phải giải quyết. Thứ nhất, nghiêm túc trong việc tổ chức kiểm tra chấp hành pháp luật và thực hiện chế tài với hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, sau thời gian 2 tuần ban hành Chỉ thị 02 đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, địa phương và số vụ việc kiểm tra về rượu kèm với chế tài xử phạt đã tăng lên hàng chục lần.
Thứ hai, Luật An toàn thực phẩm, Luật Hóa chất đã đề ra nhiều hình phạt và chế tài xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, nguy cơ từ rượu giả đang gây hậu quả quá lớn và rất nghiêm trọng trên địa bàn rộng, thậm chí nguy hại đến tính mạng con người và những hình phạt đó không còn đủ sức răn đe. Chính vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét điều chỉnh, bổ sung khung khổ pháp lý, đặc biệt với những hành vi gây hiệu quả nghiêm trọng để có những hình phạt nghiêm khắc hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Từ ngày 1 - 27/3/2017, Chi cục Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh) đã tổng kiểm tra, kiểm soát 966 vụ kinh doanh rượu, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại... Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. |