Bộ Công Thương: Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương
Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương nào trên các kênh thương mại điện tử và hiệu quả của các hoạt động này ra sao, thưa ông?
Để đẩy mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là những nơi như khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển thương mại điện tử.
Ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương |
Một trong số những hoạt động có thể kể đến là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về thương mại điện tử cho bà con tại các vùng dân tộc thiểu số và qua đó Cục cũng giúp cho các địa phương tăng cường phổ biến các thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử thông qua các chương trình trên toàn quốc.
Về công tác phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, Cục đã phát triển các giải pháp về thanh toán điện tử cũng như các giải pháp liên quan đến logistics. Các giải pháp này đóng vai trò thiết lập được các hạ tầng hỗ trợ và tạo môi trường giúp cho doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số thành công.
Cục còn thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương và đẩy mạnh việc kết nối theo vùng thông qua một loạt các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Ví dụ như: Tuần lễ nông sản Việt, ngày đặc sản Sơn La hay Ngày hội xứ dừa đặc sản Bến Tre,… Thông qua các hoạt động này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng góp phần đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Cuối cùng, Cục cũng triển khai các chương trình hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, sản phẩm đặc sản đặc biệt của Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu thông qua thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Quá trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương qua các kênh thương mại điện tử thời gian qua luôn có những thuận lợi và khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này và có lưu ý gì đặc biệt đối với các doanh nghiệp?
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2022, giao dịch của thương mại điện tử tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có thể thấy giữa các thành phố lớn và địa phương có một sự chênh lệch rõ rệt, từ nhiều yếu tố trong thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chúng tôi có thể thấy được 3 nhóm khó khăn chính vẫn còn tồn tại hiện nay. Đầu tiên, về cạnh tranh giữa doanh nghiệp, các doanh nghiệp với nhau trên các sàn thương mại điện tử, liên quan nhiều đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công tác chống hàng giả, hàng nhái...
Việc hỗ trợ bà con các vùng dân tộc miền núi đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế tại địa phương. |
Vấn đề thứ hai, liên quan đến nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình mà có thể Go online (Chương trình Go Online được triển khai theo đề án “Phát triển doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, đầu mối, phối hợp với các đơn vị nhà nước có liên quan, các sàn thương mại điện tử lớn và các doanh nghiệp cung ứng hạ tầng cho thương mại điện tử) được cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Và một điểm ngoài lề nữa là phương thức cạnh tranh trên thương mại điện tử hiện nay, hầu hết tập trung vào khuyến mại về giá. Hình thức cạnh tranh bằng tín nhiệm cũng như việc đánh giá chất lượng sản phẩm còn chưa được phổ biến. Tình trạng này về lâu dài sẽ khiến cho thị trường thương mại điện tử phát triển không lành mạnh và bền vững. Nó sẽ hạn chế sự lớn mạnh của những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất uy tín liên quan.
Trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số vấn đề sau.
Đầu tiên là doanh nghiệp tại địa phương cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, làm sao để cho nhân sự trong doanh nghiệp của mình có thể sẵn sàng ứng dụng được thương mại điện tử cũng như công nghệ số và có được một tư duy, phương pháp rõ ràng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Qua đó phát triển kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, khoảng cách bền vững.
Thứ hai là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm về lâu dài sẽ là một tiêu chí hàng đầu để quyết định việc mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng bây giờ đã rất thông minh cũng như không dễ bị lừa đảo nữa thì chất lượng sản phẩm tốt và mẫu mã hàng hóa thu hút sẽ được người tiêu dùng chọn mua.
Thứ ba là phải liên tục đẩy mạnh tiếp thị trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, nhất là các kênh như Facebook, Zalo, Tiktok và qua đó khách hàng cũng sẽ dễ tiếp cận được website cũng như là các sản phẩm của mình dễ dàng hơn.
Vậy, ông nhận định như thế nào về xu hướng sử dụng các kênh tiêu thụ trên thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới?
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là thời gian qua xu hướng liên quan đến việc làm sao để livestream bán hàng ở trên các nền tảng mạng xã hội cũng như các nền tảng livestream trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.
Trong đó, hiện nhiều doanh nghiệp đã đi theo hướng bán hàng đa kênh. Doanh nghiệp phải làm sao ứng dụng được, vừa giữ được kênh tiêu thụ nông sản truyền thống của mình, vừa ứng dụng được thương mại điện tử, thêm các kênh khác, từ livestream trực tuyến đến sàn thương mại điện tử đến các kênh mạng xã hội như Facebook,… để làm sao hình thành cho mình các kênh tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững.
Ở góc độ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, một vài chương trình mà chúng tôi đã, đang và sắp tới sẽ triển khai để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì rất may mắn là một trong những điểm này cũng được đề xuất, hỗ trợ từ phía Bưu điện Việt Nam.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung vào giải quyết khó khăn liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Cục cũng liên tục tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng thương mại điện tử cũng như công nghệ số cho các tỉnh, thành, địa phương. Qua đấy sẽ giúp nâng cao nhận thức, cũng như là nâng cao các kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương.
Cục cũng sẽ liên tục tổ chức các chương trình để tiêu thụ nông sản địa phương. Ví dụ như Chương trình mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online và tổ chức, các gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tại địa phương và tiến xa hơn nữa thì sẽ ứng dụng các quy trình, rồi những giải pháp liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử tại nhiều thị trường, trước hết là thị trường Mỹ và thị trường ở Trung Quốc.
Và điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý, đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết và quan trọng. Cục cũng sẽ tích cực phối hợp với cả các đơn vị ví dụ như VNPost và các đơn vị cung cấp, cung ứng dịch vụ chuyển phát khác trên thị trường để có thể hình thành được mạng lưới và hỗ trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như người nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xin cảm ơn ông!