Xây dựng thị trường điện cạnh tranh minh bạch |
Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 7932/BC-KHTC do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ngày 12/12/2022 về việc Báo cáo kiểm kê nguồn lực năm 2022, theo đó lĩnh vực giá điện và thị trường đã triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Đối với công tác giá điện: Về xây dựng phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt (Sửa đổi quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ trình Thủ tướng Chính phủ): Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8807/VPCP-KTTH ngày 22/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, theo đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp khi tình hình dịch COVID đã kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn có kinh nghiệm nghiên cứu, cập nhật số liệu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Ngày 24/1/2022, EVN có Công văn số 404/EVN-TCKT gửi Bộ Công Thương báo cáo về Đề án “Hoàn thiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho ngành điện Việt Nam”. Trong đó, trên cơ sở phân tích những tồn tại của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, kinh nghiệm áp dụng tại một số nước trên thế giới và kết quả phân bổ chi phí sản xuất kinh doanh điện. Đề án đưa ra những đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo đề xuất tại Đề án cần được xem xét một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động, có lộ trình cụ thể và trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan, của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5923/BCT-ĐTĐL ngày 03/10/2022 và Công văn số 6153/BCT-ĐTĐL ngày 07/10/2022 gửi các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương đã triển khai lấy ý kiến về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện |
Sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và thực hiện đăng lên cổng thông tin điện tử, website để lấy ý kiến rộng rãi người dân và khách hàng sử dụng điện theo quy định.
Về quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về điều chỉnh giá điện, phương pháp tính giá điện để hoàn thiện Dự thảo Quyết định thay thế quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Quyết định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của các thành viên, Tổ soạn thảo từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp có liên quan.
Bộ Công Thương đã có Công văn số 5670/BCT-ĐTĐL ngày 23 tháng 9 năm 2022 gửi các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và đã đăng tải công khai Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến người dân và khách hàng sử dụng điện. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV năm 2022.
Về thị trường điện; thực hiện Quyết định số 98/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2021 về phê duyệt Kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2022, Bộ đã tổ chức triển khai, vận hành và giám sát thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng kế hoạch đảm bảo an toàn, ổn định, không có nguyên nhân nào do vận hành ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và vận hành hệ thống điện.
Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 mặc dù chịu các tác động của dịch bệnh COVID - 19, phụ tải hệ thống điện bị ảnh hưởng, tuy nhiên thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn được duy trì vận hành ổn định, liên tục. Tính đến tháng 9 năm 2022 có 107 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 30.879 MW chiếm khoảng 43,7% tổng công suất toàn hệ thống và 06 đơn vị mua buôn điện trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thị trường điện được vận hành an toàn và ổn định |
Theo kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2022 đã được ban hành, dự kiến trong năm 2022 sẽ có thêm 06 nhà máy điện mới đi vào vận hành và trực tiếp tham gia cạnh tranh trong thị trường điện. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung vào các công tác chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đặc biệt là triển khai các thủ tục để sửa đổi Luật Điện lực nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bán lẻ điện.
Về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPP)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành và đơn vị liên quan để xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ cho phép đơn vị phát điện tử năng lượng tái tạo bên cạnh việc tham gia thị trường điện, được tư do thỏa thuận, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp dạng tài chính với khách hàng sử dụng điện lớn. Khách hàng sử dụng điện tiếp tục mua điện từ đơn vị bán lẻ điện với giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành và phù hợp với lộ trình phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Ngày 08 tháng 7 năm 2022, sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn thiện Dự thảo. Trong quá trình tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Quyết định theo các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương nhận thấy có sự thay đổi về thẩm quyền ban hành cơ chế DPPA thí điểm:
-Trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng Dự thảo Quyết định (từ tháng 01 đến tháng 05 năm 2022), Dự thảo Quyết định được xây dựng căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về quy chế làm việc của Chính phủ, theo đó, Thủ tướng Chính phủ có đủ thẩm quyền để ban hành Quyết định thí điểm cơ chế DPPA.
- Tuy nhiên ngày 18 tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 138/2016/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định số 39/2022/NĐ-CP, quy định thí điểm cơ chế DPPA không còn thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ và cần thiết phải trình cấp có thẩm quyền cao hơn.
Ngày 24 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu trên. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xử lý các bước tiếp theo.
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 15/11/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1757/QĐ-BCT ngày 02/7/2020 về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, ngay sau khi Kế hoạch hành động được ban hành, Bộ Công Thương đã phân công cho các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. |