Bộ Công Thương quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp, hoàn thành "nhiệm vụ kép"
Tin hoạt động 25/02/2020 15:17
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề: "Loại vaccine nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép là vừa chống dịch Covid-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế" - đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tìm ra “vaccine” cho căn bệnh sụt giảm kinh tế |
Cho rằng chúng ta có thành công bước đầu quan trọng trong việc ngăn chặn Covid-19, nhưng Thủ tướng khẳng định, chúng ta muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Thủ tướng mong muốn nghe về một “liều vaccine” mà các thành viên Hội đồng góp ý, hiến kế để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Vì vậy, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cần đưa ra những phân tích, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua, nhất là tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như thảo luận về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng thảo luận, đề ra các chủ trương, chính sách, những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ hiện nay, tư vấn cho Thủ tướng các chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là một số vấn đề về đầu tư.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Bộ Công Thương đang quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn |
Tại cuộc họp, báo cáo về tình tình ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhất là trong điều kiện dịch đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc – quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam và là nguồn cung nguyên liệu đầu vào sản xuất quan trọng cho một số lĩnh vực công nghiệp lớn, như: sản xuất là điện thoại, điện tử, ô tô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong thời gian vừa qua, các hãng sản xuất điện tử như Samsung hay LG ít bị ảnh hưởng vì nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đến từ Hàn Quốc chứ ít đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung từ Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại thì nguồn cung của Hàn Quốc lại bắt đầu giảm do dịch bệnh và như vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 3 ngành sản xuất nói trên.
Về các giải pháp của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lãnh đạo Bộ đã giao các đơn vị chức năng đánh giá những tác động của tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đến Việt Nam để sớm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện hai nhóm giải pháp đã đề ra. Cụ thể, với nhóm giải pháp ngắn hạn, hiện Bộ Công Thương đang tập trung vào việc giải toả ách tắc hàng hoá tại các cửu khẩu, tránh gây gián đoạn nguồn cung đầu vào, xử lý việc các chuyên gia nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc… Bên cạnh đó, nhóm giải pháp dài hạn là bám sát thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/202 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.