Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa cho Đăk Nông và Sóc Trăng
Tin hoạt động 07/08/2017 19:02
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Mục tiêu cao nhất mà Bộ Công Thương và các địa phương quán triệt, hướng tới là khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên để phục vụ cho sự phát triển bền vững. |
Cần nhiều hỗ trợ cho dự án Alumin Nhân Cơ
Theo Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông, Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án Alumin quan trọng của nước ta. Tính đến cuối tháng 7, nhà máy đã sản xuất được 469.680 tấn hydroxit nhôm và đưa được 408.024 tấn hydroxit nhôm vào nung được 258.426 tấn alumin.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, được sự hỗ trợ từ tỉnh Đăk Nông nên dự án đên thời điểm này đã giải ngân được hơn 14.000 nghìn tỷ đồng (trên tổng số 16.821 tỷ đồng tổng mức đầu tư), sản xuất được hơn 74% kế hoạch năm nay sau 6 tháng. Khả năng năm nay sản xuất được khoảng 500.000 tấn sản phẩm. Về cơ bản, lượng Alumin sản xuất ra đã được tiêu thụ hết với giá bán bình quân 308 USD/tấn và nếu giá được duy trì như hiện nay thì dự án sẽ có hiệu quả, rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch, đồng thời đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Đáng lưu ý, doanh nghiệp đã điều chỉnh quản trị chi phí tốt, giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam |
“Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu vào làm việc tại 2 dự án Alumin đã chứng kiến công tác an toàn và đảm bảo môi trường đã được doanh nghiệp triển khai tích cực. Về cơ bản, dự án đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường” - ông Tuấn khẳng định.
Các công trình khác trong tổ hợp Alumin Nhân Cơ như lò hơi số 1 và số 2 - Nhà máy nhiệt điện đang vận hành ổn định và cấp hơi sang các khu vực nhà máy Alumin và nhà máy khí hóa than với lưu lượng 80 - 90 tấn/giờ. Các hệ thống phụ trợ như hệ thống cung cấp than, hệ thống dầu DO, hệ thống tro, xỉ, nhà máy nước, hệ thống khí nén… vận hành tốt.
Nhà máy tuyển quặng bô xít và tuyển băng tải hiện đang vận hành an toàn để sản xuất quặng tinh (độ ẩm 10%) với công suất đạt 200 - 220 tấn/giờ và đang vận chuyển quặng tinh sang nhà máy alumin bằng tuyến băng tải với công suất đạt 252 tấn/giờ để đảm bảo cho việc chạy thử có tải nhà máy alumin.
Ông Lê Diễn - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đăk Nông |
Ông Lê Diễn - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đăk Nông - cho hay, với giá bán sản phẩm thuận lợi, 2 dự án Alumin Nhân Cơ và Tân Rai đã và đang chứng minh hiệu quả khi mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, đóng góp đáng kể nguồn ngân sách cho địa phương và tạo sự lan tỏa cho phát triển ngành công nghiệp nhôm khu vực Tây Nguyên. Tỉnh Đăk Nông đề xuất Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá hiệu quả kinh tế 2 dự án. Từ đó xem xét nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ để đáp ứng nguyên liệu cho Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông công suất 450.000 tấn/năm; đầu tư tuyến đường vận chuyển alumin từ Tân Rai (Lâm Đồng) về Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất sản phẩm. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới các nhà máy alumin trên địa bàn theo đúng Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
“Đăk Nông là tỉnh nghèo, điều kiện hạ tầng khó khăn, tuy nhiên lại có tiềm năng về bô xít. Để tránh lãng phí tài nguyên bô xít do quá trình đô thị hóa, đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét thực hiện chính sách "đổi tinh quặng lấy hạ tầng" để thu hút đối tác nước ngoài vào đầu tư quặng bô xít, luyện alumin và phát triển hạ tầng, trước hết là công trình hạ tầng liên quan đến khai thác bô xít, luyện alumin và điện phân nhôm” - đại diện Sở Công Thương Đăk Nông - đề xuất.
Nhiều kiến nghị về lĩnh vực điện năng
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Chuyện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - chia sẻ, theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng phê duyệt tại Quyết định số 3909/QĐ-BCT ngày 6/5/2014, Bộ Công Thương cho phép đến năm 2020, Sóc Trăng được phát triển 200 MW điện gió bởi tại thời điểm phê duyệt, khả năng lưới điện truyền tải chỉ đáp ứng được 200MW. Tuy nhiên, đến năm 2019, do nhiều dự án trạm biến áp và lưới điện được đưa vào vận hành, khả năng lưới điện truyền tải của địa phương có thể đáp ứng được khoảng 600MW nên tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh quy mô công suất phát triển điện gió từ 200 MW lên 591 MW cho phù hợp với thực tế.
Ông Trần Văn Chuyện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng |
Với 72 km đường bờ biển, tiềm năng năng lượng mặt trời (NLMT) của Sóc Trăng tương đối lớn. Đến nay, tỉnh đã có 5 nhà đầu tư đăng ký khảo sát, dự kiến đưa vào vận hành 5 dự án trong năm 2019, trong đó có 2 dự án dưới 50 MW, 3 dự án trên 50MW. Do đó, Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung các dự án điện mặt trời này vào quy hoạch điện mặt trời của tỉnh hoặc quy hoạch điện lực quốc gia.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Đăk Nông chưa có Quy hoạch NLMT của tỉnh nên cũng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung các dự án điện mặt trời của tỉnh vào quy hoạch năng lượng tái tạo chung để tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hai địa phương mong muốn Bộ Công Thương xem xét bổ sung nguồn vốn đầu tư cho dự án cấp điện nông thôn; cấp điện cho bà con khu vực đặc biệt khó khăn…
Sẽ tạo mọi thuận lợi cho địa phương
Về đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Bộ Công Thương đồng tình và sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để hỗ trợ các địa phương giải quyết vướng mắc”.
Cụ thể, với các dự án điện mặt trời dưới 50 MW, các địa phương có thể báo cáo với Bộ Công Thương để Bộ xem xét thông qua; các dự án trên 50 MW, báo cáo với Chính phủ để xin chủ trương. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần đánh giá toàn diện các yếu tố như phụ tải, phương thức đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, giải pháp về môi trường...
Riêng với 2 dự án Alumin, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của 2 dự án. Qua đó, báo cáo Bộ Chính trị về những bước triển khai tiếp theo trong thời gian tới.
“Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân, các nhà khoa học hiểu rõ hơn và đồng thuận triển khai 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt với ngành công nghiệp nhôm này”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng quà lưu niệm cho các địa phương |
TIN LIÊN QUAN | |