Bộ Công Thương: Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách
Hiện nay, pháp luật đã có quy định về việc phổ biến, thông tin chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, đóng vai trò là hoạt động cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều giúp cho người dân được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình” tham gia xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước, đồng thời, giúp củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; phát huy dân chủ, đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Công Thương. Ảnh Thuỷ Trần |
Thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế.
Thực tế này đã gây ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành. Một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế; có văn bản quy phạm pháp luật do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội.
Trên cơ sở thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án 407) nhằm tăng cường truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện.
Quy định tại Mục II.2.b Điều 1 Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung chủ động quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu tăng cường công tác truyền thông chính sách, giao các Bộ ngành “Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.
Với vai trò là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng. Do đó, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách của Bộ Công Thương có vai trò ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Công Thương để đảm báo các đơn vị của Bộ Công Thương nắm rõ các quy định, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương.
Hội nghị đã tập trung các nội dung chuyên đề, cụ thể như: Những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở thông qua hoạt động văn hóa cơ sở.
Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Kỹ năng tích hợp, đăng tải, khai thác thông tin nội dung dự thảo chính sách và những vấn đề liên quan trên Cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia, các phần mềm về phổ biến giáo dục pháp luật.