Bộ Công Thương theo dõi sát điều tra phòng vệ thương mại tại Indonesia liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam
Mới đây, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này trước nhóm hàng dệt may nhập khẩu thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Indonesia còn tuyên bố, ngoài nhóm hàng dệt may, Chính phủ nước này cũng sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng nhập khẩu khác, như hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với Vuasanca trước động thái áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Chính phủ Indonesia đối với hàng nhập khẩu cũng như các giải pháp chủ động ứng phó trong trường hợp Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại tại Indonesia. Ảnh: TTXVN |
Liên quan đến tuyên bố cam kết bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước, trong đó có cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu của Indonesia, xin Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết quan điểm về vấn đề này?
Để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia phải thực hiện các cuộc điều tra với quy trình chặt chẽ, tuân thủ theo các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của quốc gia đó và quy định trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới. Chỉ khi nào kết luận điều tra xác định các điều kiện để áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại đã được đáp ứng đầy đủ thì quốc gia đó mới có thể cân nhắc việc áp dụng biện pháp.
Trước động thái của Chính phủ Indonesia, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi sát các cuộc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Indonesia có liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo các cuộc điều tra này được tiến hành một cách công bằng, minh bạch, dựa trên các dữ liệu, chứng cứ rõ ràng được cung cấp không chỉ bởi các nhà sản xuất Indonesia mà còn bởi các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo đúng quy định trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương |
Cùng với việc theo dõi sát các cuộc điều tra phòng vệ thương mại tại Indonesia, Cục Phòng vệ thương mại hiện đang triển khai các hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?
Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi sát các cuộc điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Indonesia, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại và quy trình điều tra phòng vệ thương mại của Indonesia cho các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp quan tâm; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp và hiệp hội cách thức tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có những hình thức trao đổi phù hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Indonesia để đảm bảo các cuộc điều tra phòng vệ thương mại được tiến hành một cách công bằng, mình bạch và phù hợp với cam kết trong các hiệp định mà Indonesia đã tham gia.
Trước xu hướng gia tăng điều tra phòng vệ thương mại của thị trường quốc tế, ông có thể cho biết Indonesia đã tiến hành các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam như thế nào? Các tác động từ biện pháp này đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia?
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, tính đến hết năm 2023, Indonesia đã điều tra tổng cộng 197 vụ việc phòng vệ thương mại trong đó có 154 vụ việc chống bán phá giá và 43 vụ việc tự vệ. Trong số đó chỉ có 15 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá và 10 vụ việc tự vệ.
Có thể nói cho đến nay, nhìn chung tác động từ các biện pháp phòng vệ thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia là chưa lớn. Tuy nhiên, đây là một thị trường có có tần suất điều tra phòng vệ thương mại tương đối cao, vì vậy vẫn cần phải theo dõi sát các hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Cục Phòng vệ thương mại có khuyến nghị cụ thể nào đối với doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu sang thị trường Indonesia thời gian tới?
Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, trao đổi với đối tác nhập khẩu, để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu của mình. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, có chính sách về giá xuất khẩu phù hợp để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế.
Trong trường hợp có vụ việc điều tra phòng vệ thương mại xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, cung cấp thông tin phù hợp theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời nhằm đạt được kết quả tích cực nhất.
Xin cảm ơn ông!