Ứng dụng công nghệ tem điện tử trong quản lý rươu nhập khẩu Thu phí cấp phép tem rượu nhập khẩu |
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham) vào chiều ngày 6/4.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của Eurocharm với Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.
“Sự bùng nổ, phát triển của thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 là một trong những yếu tố hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp khi gặp hoàn cảnh khó khăn, khác biệt so với kinh doanh như bình thường. Điều này mang hiệu quả tốt cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Đây là xu hướng mà Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Liên quan đến vấn đề kinh doanh mặt hàng rượu trên nền tảng thương mại điện tử, cụ thể là tháng 2 vừa qua, Tiki đã chấm dứt hoạt động kinh doanh rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu trên nền tảng của họ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, có nhiều doanh nghiệp đã kết nối với Tiki để bán rượu vang, rượu mạnh.
Thời gian qua, Eurocham đã có công văn gửi đến Bộ Công Thương, trong đó có nêu, “Tại Công văn số 1259 ngày 28/12/2020 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) có yêu cầu rà soát, gỡ bỏ các sản phẩm rượu bán trên website, ngay lập tức không cung cấp các hướng dẫn rõ ràng về cấp phép bán lẻ trên thương mại điện tử”. Sau khi tiếp nhận công văn đó, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các Vụ liên quan để thảo luận về các vấn đề mà Eurocharm đưa ra.
Tuy nhiên trong Công văn 1259 đã viết rõ, “đề nghị, yêu cầu kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ ngay các sản phẩm rượu bày bán trên website, ứng dụng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định”. Điều này có nghĩa là khi chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định thì bị yêu cầu gỡ bỏ ngay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thực tế, việc kiểm tra, rà soát các mặt hàng rượu bia nhập khẩu là việc làm thường xuyên, không chỉ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện mà Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương, thanh tra thương mại của các Sở Công Thương đều thường xuyên rà soát, kể cả bán trong siêu thị, hay bán trên thương mại điện tử.
“Rõ ràng, bất kỳ sản phẩm nào, doanh nghiệp không tuân thủ thì bắt buộc phải gỡ bỏ, hoặc phải xử lý về hành chính, thậm chí phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hình sự. Việc yêu cầu rà soát, kiểm tra là việc hết sức bình thường” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đối với bán lẻ rượu mạnh, rượu vang, đây là sản phẩm không được khuyến khích kinh doanh, song để được kinh doanh, doanh nghiệp cần có giấy phép bán lẻ rượu do Phòng kinh tế của quận, huyện cấp. Trong đó quy định rõ tên của doanh nghiệp, địa chỉ, sản phẩm rượu cụ thể. “Nếu doanh nghiệp nào tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành, sản phẩm rượu nhập khẩu đảm bảo chất lượng; phải xuất được hóa đơn bán hàng thì vẫn được phép bán hàng. Nếu không tuân thủ, dù ở trên bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào, khi 1 cơ quan lấy bất kỳ mẫu nào đó của công ty, doanh nghiệp trên nền tảng này, họ kiểm tra sản phẩm không đúng, không tốt, hoặc bản thân không có giấy tờ bán lẻ rượu, thì phải được gỡ bỏ, không được bán sản phẩm này trên nền tảng đó nữa” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm và cho biết, riêng với Tiki, nếu họ cũng có đầy đủ giấy phép bán lẻ rượu, có địa chỉ, những sản phẩm đó được phép bán theo quy định thì sẽ được phép kinh doanh.