Hội nghị là sự kiện thường niên của ngành Công Thương (được tổ chức năm nay là năm thứ 7) để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về các quy định hành chính và thủ tục hành chính của ngành Công Thương. Đây là một trong nhiều nỗ lực của ngành Công Thương, nhằm tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa cơ quan quản lý với người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị có sự tham dự của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương tại các địa phương. Đây là cơ hội để trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các quy định hành chính cũng như thủ tục hành chính của ngành Công Thương.
Ngành Công Thương có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hiện chiếm khoảng hơn 80% GDP. Bộ Công Thương và ngành Công Thương ở các địa phương đang quản lý 28 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã) và 1216 điều kiện kinh doanh trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28). |
Xác định rõ vai trò của việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính, Bộ Công Thương luôn coi trọng quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính và đặt ra yêu cầu xác định các quy định hành chính đó có hợp lý hay không, có cần thiết phải duy trì hay không và nếu như việc duy trì là cần thiết thì thủ tục để thực hiện các quy định quản lý đó đã đủ công khai, minh bạch hay chưa, đã được đơn giản hóa hay chưa, được hiện đại hóa và đã được chuẩn hóa hay chưa?
Để thực hiện các yêu cầu trên, kể từ sau Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về việc cải cách các quy định, thủ tục hành chính của ngành, trong đó có những lĩnh vực đang được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm như kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu, nhập khẩu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, kinh doanh khí hóa lỏng, khai báo hóa chất, tiếp cận điện năng, dán nhãn năng lượng…
Về nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương thời gian qua đều chú trọng 4 tiêu chí: Đơn giản, minh bạch, hiện đại và chuẩn hóa với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở cả 3 khía cạnh: Tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục, Bộ Công Thương cũng tích cực thực hiện việc hiện đại hóa thủ tục hành chính để nâng tất cả các thủ tục của ngành lên cấp độ 3 và cấp độ 4 - tức là nộp hồ sơ online và có thể trả kết quả online hoặc qua đường bưu điện, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tránh nguy cơ sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 9 Nghị định, 1 Quyết định Thủ tướng, 2 Thông tư liên tịch và 28 Thông tư trong năm 2017. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng con số thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56 TTHC/452 TTHC và sẽ được hoàn thành 100% vào cuối năm 2017. |
Mặc dù đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong ngành đã đạt được nhiều kết quả trên cả 4 phương diện đơn giản hóa, minh bạch hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa nhưng Bộ Công Thương sẽ không dừng lại ở đây. Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính của ngành Công Thương để tiếp tục sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính của ngành cho phù hợp.