Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Đáng chú ý, tại dự thảo luật mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất quy định mới về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy.
Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự luật này được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.
Trong khi đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động.
Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.
Trước đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 6 - 7 đã đề xuất quy định sinh viên đang học được làm việc nhưng không quá 24 giờ/tuần, nới 4 giờ so với dự thảo luật được lấy ý kiến hồi tháng 3.
Bỏ đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên là phù hợp với pháp luật và thực tiễn. (Ảnh minh họa, nguồn: daidoanket.vn) |
Trao đổi về vấn đề này Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Châu Á (Asialaw) cho biết, việc bỏ quy định hạn chế giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là phù hợp với quy định pháp luật lao động, và thực tiễn.
Bởi theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi (trừ một số trường hợp).
Như vậy, người từ đủ 15 tuổi có quyền lao động, ký kết hợp đồng lao động một cách bình hường theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Học sinh, sinh viên từ 15 tuổi cũng thuộc độ tuổi lao động nên ngoài việc thực hiện đúng các quy định chuyên ngành giáo dục thì cũng được tham gia lao động. Vậy nếu quy định hạn chế giờ lao động của học sinh, sinh viên từ 15 tuổi là không phù hợp với Bộ luật Lao động, không đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong quy định pháp luật.
Ngoài ra, thực tế hiện nay nhu cầu làm việc của học sinh đặc biệt là sinh viên rất cao. Học sinh, sinh viên làm thêm để có thêm thu nhập chi trả học phí, sinh hoạt bản thân, thậm chí còn để tích lũy kinh nghiệm phát triển bản thân là nhu cầu tất yếu.
Về mức lương học sinh, sinh viên có thể nhận được, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, nếu theo dự thảo mới nhất quy định tiền lương của học sinh, sinh viên không thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ, thì căn cứ vào Nghị định 74/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 xác định được mức lương tối thiểu của người lao động theo giờ tùy thuộc vào vùng lao động.
Cụ thể, Vùng 1 có mức lương tối thiểu giờ là 23.800 đồng/giờ; Vùng 2 là 21.200 đồng/giờ; Vùng 3 là 18.600 đồng/giờ; Vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người lao động là học sinh, sinh viên và người sử dụng lao động thỏa thuận xác định mức lương cho học sinh, sinh viên làm thêm đúng quy định.
Cũng liên quan đến đề xuất giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên, trước đó, Bộ Tài chính cho rằng đây là nội dung mới trong dự thảo Luật so với Luật Việc làm năm 2013, trong khi tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thuyết minh căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn đề xuất nội dung này.
Bộ Tài chính đề nghị làm rõ tính khả thi trong thực hiện, đảm bảo phù hợp với bối cảnh quản lý kinh tế, xã hội của Việt Nam. Hơn nữa, việc đề xuất chính sách cần có giải pháp và cách thức quản lý đi kèm.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị rà soát lại căn cứ pháp lý, tính phù hợp của quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Bởi học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nghiên cứu quy định mức tiền công tối thiểu để tránh việc thoả thuận quá thấp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động là học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2024.