Bộ Giao thông vận tải đề xuất không giảm 3.750 tỷ vốn đầu tư công cho 5 dự án Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung gấp nhân sự Cục đăng kiểm Việt Nam |
Việt Nam hiện có 22 sân bay, trong đó 10 sân bay quốc tế. Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có 28 cảng hàng không, gồm 14 cảng quốc tế là Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 14 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải rà soát 12 vị trí sân bay địa phương đề xuất để lựa chọn đưa vào dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc. Triển khai Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng.
Bộ Giao thông Vận tải rà soát 12 sân bay được địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không |
Trước đó, cuối năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã rà soát, làm việc với các địa phương, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.
Trong đó, để tận dụng quỹ đất, cơ sở hạ tầng sẵn có của Thành Sơn và Biên Hòa, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất hai sân bay này vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Cụ thể, sân bay Thành Sơn - sân bay quân sự cấp 1, nằm ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và sân bay Biên Hòa nằm tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được đưa vào quy hoạch. Với định hướng đến năm 2030, sản lượng khách du lịch đến tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 6 triệu, có tiềm năng phát triển vận tải hàng không nên Bộ Giao thông Vận tải đánh giá sân bay Thành Sơn khả thi về thiết kế phương thức bay. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh tổ chức vùng trời của 3 sân bay trong vùng là Thành Sơn, Cam Ranh và Liên Khương để bảo đảm phân cách, an toàn bay.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam nên nhu cầu vận tải hàng không rất lớn. Sân bay Biên Hòa nằm tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khả năng thiết lập vùng trời để khai thác tại sân bay Biên Hòa khả thi, song cần điều chỉnh phương thức bay của khu vực cảng Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Bộ Giao thông Vận tải hiện đang để ngỏ khả năng đưa vào quy hoạch 8 sân bay: Sân bay Mộc Châu ở thị trấn Mộc Châu, cách TP Sơn La 135 km; Sân bay Yên Bái, phường Nam Cường, cách trung tâm TP Yên Bái khoảng 7 km; Sân bay Hà Tĩnh tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, cách TP Hà Tĩnh 20 km; Sân bay Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách TP Kon Tum 60 km; Sân bay Lý Sơn, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 25 km; Sân bay Vân Phong tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP Nha Trang 68 km; Sân bay Đăk Nông tại xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, cách TP Gia Nghĩa 30 km; Sân bay Tây Ninh, đặt tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, cách TP Tây Ninh 20 km.
Với hai vị trí sân bay Tân Quang và Na Hang mà tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất các địa phương nghiên cứu các vị trí khác như sân bay Hà Giang đặt tại xã Đồng Tâm, cách xã Tân Quang khoảng 2km về phía Đông nam, cách thành phố Hà Giang khoảng 40km theo hướng Bắc – Đông bắc; sân bay Tuyên Quang tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, cách thành phố Tuyên Quang 20km về phía Tây bắc.