Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát lại suất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế đặc thù, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu…
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là dự án có quy mô đặc biệt lớn, có công nghệ mới và lần đầu tiên triển khai tại nước ta. Trên cơ sở tham vấn chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Chính phủ thông qua thống nhất trình Quốc hội; trong đó, có 19 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ phê duyệt.
Các cơ chế, chính sách tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: Đảm bảo tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bảo đảm quá trình đầu tư thành công; đảm bảo huy động đủ nguồn lực, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đi đôi với kiểm tra giám sát; đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ thực hiện mà còn vận hành, khai thác, sửa chữa, bảo trì thiết bị, kết cầu hạ tầng, không phụ thuộc suốt vòng đời dự án; cuối cùng là phát triển công nghiệp đường sắt tiến tới làm chủ công nghệ.
Doanh nghiệp trong nước đề xuất cần có chính sách ưu tiên trong việc tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Đối với vấn đề doanh nghiệp trong nước đề xuất cần có chính sách ưu tiên trong việc tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, tại tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội sẽ đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, các doanh nghiệp này phải ràng buộc các điều kiện như: Tổng thầu phải sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước sản xuất, đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Hay các chính sách trình Quốc hội về việc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc đặt hàng doanh nghiệp trong nước các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được như luyện kim, sản xuất thép, là tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao mà tiến tới là đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị trong tương lai.
Cùng nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, các cơ chế, chính sách đặc thù kể trên nhằm bảo đảm mục tiêu chất lượng, tiến độ và mức độ an toàn công trình, làm sao triển khai dự án nhanh nhất và hiệu quả nhất. Trong quá trình triển khai sau này, cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ có thể tiếp tục đề xuất hoặc thuộc thẩm quyền cấp nào trình cấp đó, từ đó dành ưu tiên cao nhất cho việc triển khai dự án.
Về phía Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, cơ chế, chính sách là rất cần thiết và dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ nếu thiếu cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, điều này không phải dễ vì chưa có tiền lệ. Việc xác định bao nhiều nhóm cơ chế chính sách hay cơ chế chính sách như thế nào... vẫn là thách thức.
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, trong các nhóm cơ chế này, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tính đến các cơ chế linh hoạt. Bởi, trong quá trình triển khai phát sinh vấn đề, nếu áp dụng quy trình tuần tự có thể không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề.
Ngày 28/02/2023, Bộ Chính trị có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 49-KL/TW) trong đó nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới". Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đã tiến hành nhiều cuộc họp quan trọng để xem xét các nội dung, trong đó Thường trực Chính phủ đã có 3 cuộc họp và thống nhất với phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/h, vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu; đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024, trong đó đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. |