Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lựa chọn 3 sản phẩm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng bền vững
Sau khi được lựa chọn, khối các cơ quan trung ương sẽ thực hiện việc mua sắm 3 loại sản phẩm này dựa trên các tiêu chí thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lượng phát thải.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững giai đoạn 2011-2020, Luật Bảo vệ môi trường và một số văn bản pháp luật đã đề cập đến việc tiêu dùng bền vững. Trong đó, khuyến khích mua sắm xanh là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên, bên cạnh các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; cung cấp thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, thông qua dự án SPPEL được thực hiện từ năm 2014 đã tiến hành xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng mua sắm công bền vững và đề xuất 15 nhóm sản phẩm dịch vụ để lựa chọn mua sắm công như: Sản phẩm và dịch vụ tẩy rửa; Giấy in, đồ họa; Dịch vụ ăn uống; Nội thất; Sản phẩm và dịch vụ làm vườn; Thiết bị in ấn; Hệ thống, thiết bị chiếu sáng trong nhà; Thiết bị công nghệ thông tin văn phòng; Pin, ắc quy; Sơn; Sản phẩm dệt may; Thiết bị, nhà vệ sinh; Giao thông; Vật liệu lợp, ốp; Tấm tường, vách ngăn. Từ danh mục 15 sản phẩm này Ban cố vấn sẽ chấm điểm để lựa chọn ra 3 sản phẩm ưu tiên áp dụng mua sắm công bền vững
Hiện Việt Nam đã ban hành một số loại nhãn sinh thái để chứng nhận các sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, hoạt động trên đang gặp nhiều khó khăn do còn thiếu về khung pháp lý, cơ chế hợp tác, nhận thức và năng lực đội ngũ cán bộ mua sắm đấu thầu, năng lực đào tạo… Đặc biệt, tiêu chí về mặt môi trường trong mua sắm công chưa được thể chế hóa trong các Luật và văn bản hướng dẫn.