Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nói gì về tình trạng lạm dụng hóa chất trong bảo quản rau củ quả?
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - đoàn Lạng Sơn đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trung ương đã nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri, nhiều kiến nghị đã được các bộ, ngành trả lời nhanh chóng, chất lượng, đầy đủ thông tin, đáp ứng kịp thời mong muốn của cử tri. Những kiến nghị được giải quyết đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn |
Tuy nhiên, một số kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành với mong muốn trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ có các giải pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chỉ nhận được câu trả lời về các giải pháp đã thực hiện. Nếu như các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả thì cử tri sẽ không còn có kiến nghị nữa.
Đại biểu lấy ví dụ, cử tri thành phố Lạng Sơn gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV kiến nghị về tình trạng lạm dụng hóa chất trong bảo quản rau củ quả và đề nghị cần có chế tài xử phạt nặng đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.
Khi trả lời về nội dung này, tại Văn bản số 6864 ngày 26/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu “đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 31 ngày 6/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật”.
Với câu trả lời như vậy, đại biểu cho rằng chưa thể hiện được các giải pháp quyết liệt để xử lý cũng như trả lời chưa đúng, chưa trúng vấn đề cử tri nêu. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã có từ năm 2016, còn vấn đề lạm dụng hóa chất, thuốc bảo quản rau củ quả đang diễn ra hàng ngày.
Hiện nay, tình trạng rau củ quả để hàng tháng nhưng vẫn không hư hỏng, màu sắc không thay đổi ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra ở đây liệu có phải hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe hay là trong khâu quản lý vẫn còn có chỗ nào chưa chặt chẽ, cần phải điều chỉnh thì cần có giải pháp cụ thể để cử tri được yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu kiến nghị của cử tri về việc có cơ chế, chính sách để giảm giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư nông nghiệp với chi phí sản xuất ngày càng tăng cao trong khi tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn, nhiều sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Kiến nghị này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời, cơ bản cử tri cũng thống nhất với trả lời của Bộ trưởng. Tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn về các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện chưa thực sự giải quyết được vấn đề căn cơ.
Đó là tình trạng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Do vậy, tiếp tục kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững; một nền nông nghiệp mà những nông sản an toàn thực phẩm, không có chất dư lượng không phải chỉ là câu chuyện để xuất khẩu mà còn cho cả người tiêu dùng Việt Nam chúng ta.
"Chúng tôi cũng đã có đề án và hướng tới các mục tiêu để giảm dần các phân, thuốc vô cơ độc hại, tăng phân thuốc sinh học hữu cơ. Với cấu trúc ngành nông nghiệp với nhiều việc diễn ra ở địa phương nên tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội cũng tham gia giám sát giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - Bộ trưởng nói.
Liên quan tới việc làm sao một đất nước nông nghiệp mà chúng ta lại lệ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu để làm đầu vào sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một hình ảnh ví von: Chỉ khi nào chứng minh rằng chúng ta trồng ngô trên diện tích trồng na của Chi Lăng sinh lợi nhiều hơn thì người nông dân trồng na ở Chi Lăng sẽ chuyển sang trồng ngô.
Khi và chỉ khi trả lời được cho người nông dân rằng chúng ta thay thế một ngành hàng này bằng ngành hàng khác mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân thì người ta mới thực hiện, chứ không thể nào chúng ta nói muốn trồng ngô là trồng ngô.
Trong khi đó, ngô, đậu tương là 2 nguyên liệu đầu vào là chủ yếu để sản xuất các nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, cả diện tích trồng ngô của nước Mỹ bằng diện tích tự nhiên của nước Việt Nam.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chúng ta không thể làm một chuỗi ngành hàng. Hơn nữa, trong những nguyên liệu nhập khẩu về, chúng ta lại tái xuất những nguyên liệu đó, sau khi chế biến nó thành những nguyên liệu thức ăn, khoảng 1/3 nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để chế biến thành nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất tại chỗ và 1/3 đưa đi xuất khẩu.
Tương tự, chúng ta cũng phải nhập khẩu tôm của Ấn Độ về để chế biến. “Câu chuyện này là câu chuyện tôi cũng đã phát biểu với Quốc hội nhiều lần” - Bộ trưởng chia sẻ.