Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành Công Thương cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 06/01/2023 23:14
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quản lý thị trường tiếp tục đổi mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 |
Chiều ngày 6/1, Bộ Công Thương đã tổ chức gặp mặt các phóng viên, nhà báo tại TP. Hồ Chí Minh nhân dịp năm mới 2023.
Tham dự chương trình, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Phan Thị Thắng.
Về phía cơ quan báo chí, truyền thông và ban ngành có ông Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo, phóng viên báo chí tại TP. Hồ Chí Minh.
Đông đảo phóng viên ở phía Nam tham dự chương trình gặp mặt chiều ngày 6/1 |
Năm 2022, ngành Công Thương đạt được nhiều kết quả tích cực
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả đối với ngành Công Thương và Bộ Công Thương của các cơ quan báo chí trong năm qua. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 2022 là một năm khó khăn đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam. Do có độ mở lớn nên kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của tình hình chính trị khu vực và thế giới. Song với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, kết thúc năm 2022 cả nước có 13/15 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Riêng với ngành Công Thương, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt.
Trong đó, có thể kể đến như công nghiệp tăng 8%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thương mại, mặc dù là năm khó khăn cho nền sản xuất của thế giới và cũng là năm tổng cầu thế giới giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và xung đột Nga - Ukraine nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt 732,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư đạt 11,2 tỷ USD, vượt xa so với kế hoạch.
Thương mại trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 20%) vượt gấp 2,5 lần mục tiêu kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao. Thương mại điện tử cũng là một trong những lĩnh vực phát triển rất mạnh khi tốc độ tăng trưởng đạt 20,5% và là năm thứ 2 liên tiếp nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt trong bối cảnh đứt gãy nhiều nguồn cung, cả nguồn cung về nguyên liệu cũng như nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhưng ở Việt Nam đều được đảm bảo.
“Trách nhiệm của ngành Công Thương với đất nước và trách nhiệm của Bộ Công Thương theo quy định của Chính phủ đều được hoàn thành và hoàn thành tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu |
Để đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của ngành Công Thương còn có sự ủng hộ rất lớn của các Bộ, ban ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương và vai trò tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông. Đặc biệt là những phóng viên được giao nhiệm vụ theo dõi ngành Công Thương trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định: Bước sang năm 2023, dự báo những khó khăn thách thức vẫn tiếp tục. Những khó khăn của năm 2022 vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó, những khó khăn mới đã xuất hiện như chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, bảo hộ mậu dịch của các nước...
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải bước vào cuộc đua khốc liệt, vì những ngành hàng Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu ra thế giới thì Trung Quốc đã có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Cùng với đó, thị trường ngày càng bị thu hẹp, tổng cầu giảm.... Đây là những thách thức rất lớn.
“Để đạt được mục tiêu năm 2023 ngành Công Thương phải nỗ lực rất lớn. Ngoài việc cầu thị hơn để nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, Bộ Công Thương rất cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, ngành Công Thương đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Công Thương đã cùng Bộ ngành Trung ương tham mưu tích cực và được Trung ương thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, Quốc hội khóa XIII). Theo đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì sớm tham mưu cho Chính phủ để xây dựng Nghị quyết này. Về chương trình hành động, Bộ đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, bao gồm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng.
Thứ hai, khẩn trương rà soát lại những cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là phải thu thập, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, tổng kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trước đây, chúng ta đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng, đàm phán ký kết với các đối tác về các Hiệp định thương mại tự do và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại nghiêm túc những mục tiêu này. Bởi một mặt chúng ta mừng vì đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, song nhìn sâu vào kết quả này có thể thấy khoảng 74 – 75% giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đem lại. Mục tiêu của chúng ta khi thu hút đầu tư FDI là thu hút vốn để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, để có một quá trình chuyển giao về công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại 15 năm vừa qua, mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là chưa nhiều.
Do đó, mục tiêu đặt ra của chúng ta về thu hút FDI là chưa đủ. “Hội nhập kinh tế quốc tế mà chỉ nhìn vào cái số doanh nghiệp, số vốn đầu tư hay kết quả ký được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự thì chưa đủ mà hội nhập kinh tế quốc tế phải được đo đếm bằng khả năng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế. Như vậy mục tiêu cho năm 2023 của ngành Công Thương, Bộ Công Thương là phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp có thẩm quyền tổng kết lại chính sách hội nhập kinh tế quốc tế giống như tổng kết lại chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa qua. Từ đó, đưa ra những chính sách mới vừa đảm bảo thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, nhưng không phải thu hút bằng mọi giá. “Đã đến lúc phải chọn những ngành, những lĩnh vực, những doanh nghiệp đạt trình độ về công nghệ. Tiến tới không chỉ đạt made in Vietnam mà còn phải đạt made by Vietnam", Bộ trưởng Nguyễn hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường trong nước. Với thị trường 100 triệu dân thì đây là một thị trường rất lớn mà chúng ta phải quan tâm. Một mặt là phải đưa ra những cơ chế chính sách để phát triển thương mại trong nước, đồng thời phối hợp với các ban, bộ ngành đưa ra chế tài, chính sách phát triển thương mại điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 16,4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm thì năm 2023 sẽ đạt khoảng 16-17 tỷ USD. Đồng thời tiếp tục đàm phán để ký kết tiếp các cái hiệp định thương mại, đàm phán để mở rộng các ngành hàng và định hướng xuất khẩu chính ngạch.
Cuối cùng là nỗ lực cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà với người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục siết lại kỷ cương trong sản xuất, thương mại cũng như công tác tham mưu, đề xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn, trong bối cảnh mới, khó khăn mới, Bộ Công Thương rất cần sự nỗ lực, đóng góp mới hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn của các cơ quan báo chí, để ngành Công Thương, Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu mới được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Ông Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương và Bộ Công Thương đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ trong công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới.
Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ ý kiến |
Đại diện các cơ quan báo chí ở phía Nam, Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đánh giá cao sự cầu thị của Bộ Công Thương. Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn cung cấp đầy đủ các thông tin cho đội ngũ báo chí để tuyên truyền trong công cuộc phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Nhà báo Nguyễn Đại Dương - Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong - chia sẻ ý kiến |
Đồng quan điểm, Nhà báo Nguyễn Đại Dương - Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong - cho rằng, trong 10 thành tựu nổi bật của ngành Công Thương năm 2022 có rất nhiều chỉ tiêu đã đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt là về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp; tăng trưởng GDP năm vừa qua rất cao, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành Công Thương.