Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Tin hoạt động 01/05/2022 10:20
Cuộc họp với sự chủ trì của đại diện Bộ Tư pháp, cùng sự tham gia của hơn 20 đại diện đến từ các Bộ, ban ngành ở Trung ương, cộng động doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp có liên quan (Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam) và đại điện Ban soan thảo, Tổ biên tập Dự án Luật.
Tóm tắt về quá trình xây dựng và một số nội dung mới trong Dự thảo Luật, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật cho biết: Trên cơ sở tổng kết công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn trước năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật phát biểu tại cuộc họp |
Ngày 06 tháng 5 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021. Chính phủ đã thống nhất với đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 07 Nhóm chính sách lớn. Ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, Bộ Công Thương được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai các hoạt động liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thủ tục xây dựng Dự án Luật theo các quy định hiện hành.
Cụ thể như, nhằm xin ý kiến chỉ đạo, định hướng trong quá trình xây dựng Dự án Luật, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp của Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Thông qua các cuộc họp này, Ban soạn thảo đã thống nhất về kế hoạch, nội dung và định hướng xây dựng Dự án Luật; đồng thời, đã cho ý kiến để hoàn thiện bộ hồ sơ Dự án Luật, chuẩn bị cho hoạt động xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Các hoạt động xin ý kiến được thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo tiếp cận tới tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chẳng hạn như Bộ Công Thương đã cho đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử, xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố; đăng tải công khai trên các ứng dụng sàn thương mại điện tử; tổ chức các hội thảo xin ý kiến các đối tượng có liên quan; tổ chức nghiên cứu xây dựng tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Tới thời điểm hiện tại, Ban Soạn thảo đã ghi nhận, tổng hợp ý kiến của 21/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 54/63 UBND các tỉnh, thành phố; các Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, 12 công ty và văn phòng luật” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.
Cuộc họp với sự chủ trì của đại diện Bộ Tư pháp, cùng sự tham gia của hơn 20 đại diện đến từ các Bộ, ban ngành ở Trung ương, cộng động doanh nghiệp |
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. So với Luật năm 2010, Dự thảo Luật hiện có một số sửa đổi, bổ sung như: Về số lượng, Dự thảo Luật tăng 01 chương, giữ nguyên 08 Điều khoản, sửa đổi 43 Điều khoản và bổ sung mới 29 Điều khoản.
Về nội dung, các điều khoản được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở rà soát, đánh giá, đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và bám sát 07 Nhóm Chính sách đã được phê duyệt tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Đại diện Bộ Tư pháp và các thành viên hội đồng thẩm định đã đặt câu hỏi và cho ý kiến đánh giá đối với hồ sơ dự án Luật. Thành viên hội đồng đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác xây dựng Dự án Luật này của cơ quan chủ trì và Ban soạn thảo.
Bộ Tư pháp đã cho ý kiến thẩm định, lần lượt tập trung vào các vấn đề (theo quy định tại Điều 5 của ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015): Sự phù hợp của nội dung Dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua;
Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong Dự thảo văn bản (nếu trong Dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính); Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo văn bản (nếu trong Dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới); Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản…
Trên cơ sở những ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - Tổ trưởng Tổ biên tập, đã đưa ra những giải trình, giải thích cụ thể đối với các câu hỏi, vấn đề mà hội đồng thẩm định chất vấn.
Đồng thời, Tổ biên tập sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa Dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, tránh chống chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; sớm hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật để Bộ Tư pháp cho ý kiến trước khi trình Chính phủ (vào đầu tháng 6 năm 2022), trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.