Các bộ, ngành phải nỗ lực lựa chọn các "cuộc chơi" hội nhập
Tin hoạt động 28/02/2017 14:00
BCĐ được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 và Quyết định số 04/QĐ-BCĐLNKT ngày 9/1/2015.
Công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) năm 2016 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã và đang không ngừng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo chủ trương và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước vào thời kỳ hội nhập mới với những dấu mốc nổi bật như: Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết bắt đầu có hiệu lực. Thêm nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh hơn nữa để hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập KTQT, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phiên họp có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường triển khai, phối hợp chặt chẽ đối với công tác hội nhập kinh tế trong và ngoài nước thông qua việc ký ban hành Danh sách BCĐ gồm 11 thành viên, hoàn thiện bộ máy và cơ chế hoạt động. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Phó Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải là Ủy viên kiêm Tổng Thư ký; các Ủy viên gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh -Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế. Phiên họp cũng đưa ra một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập KTQT trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Về tổng thể, công tác hội nhập KTQT đã hoạt động đồng đều, tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là đóng góp vào quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Từ năm 1991-2016, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn vốn đầu tư quốc tế khá lớn, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 165 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Những con số thống kê đã chứng minh thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy tiềm lực kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, BCĐ đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo, tham mưu, đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ các vấn đề quan trọng về các đối tác cần đàm phán FTA trong thời gian tới; những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình đàm phán 4 FTA; chủ trì thực hiện 10 Đề án lớn, làm cơ sở đề xuất các chính sách về hội nhập KTQT; hoạt động thông tin tuyên truyền đã được nâng cao về cả nội dung và phương thức.
Các bộ, ngành đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu về tác động của cam kết quốc tế đối với từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để tư vấn kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi các FTA cũng như tác động của việc thực hiện các yêu cầu về lao động trong FTA và các chương trình hỗ trợ pháp lý về lao động doanh nghiệp.
BCĐ đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bộ tài liệu tích hợp các cam kết trong FTA mà Việt Nam đã tham gia theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể để giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, đối chiếu, so sánh cam kết, từ đó vận dụng và thực thi hiệu quả cam kết hội nhập KTQT.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, những kết quả đã thực hiện được mới là bước đầu. Việc triển khai hội nhập kinh tế ngoài nước diễn ra tương đối tốt với việc chủ động đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhưng việc triển khai công tác hội nhập trong nước vẫn bộc lộ hạn chế, chưa khai thác có hiệu quả các lợi ích của hội nhập KTQT. Điển hình như công tác phối hợp để xây dựng kế hoạch vẫn còn nặng tư tưởng cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm chính, còn cơ quan phối hợp đôi khi chỉ tham gia một cách hình thức, thậm chí không tham gia, nên các chương trình còn thiếu tính toàn diện từ khâu xây dựng đế đôn đốc, giám sát, đánh giá.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của tiến trình hội nhập KTQT trong thời gian tới. Trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được, các bộ, ngành cần nỗ lực lựa chọn các "cuộc chơi" chủ động hơn, không để các nước "dẫn dắt". Trong đó, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập KTQT, tiếp tục tận dụng các tổ chức, diễn đàn đa phương như APEC, ASEM, ASEAN để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.