Nhiều mô hình hợp tác xã hiệu quả
Là một trong những cánh chim đầu đàn của kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau, những năm qua, hợp tác xã Tân Phát Lợi đã liên tục phát triển thêm thành viên và sản phẩm. Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi cho biết, năm 2012, Hợp tác xã Tân Phát Lợi thành lập với 9 thành viên tham gia. Những ngày đầu thành lập, hợp tác xã chỉ sản xuất duy nhất một mặt hàng tôm khô với sản lượng khiêm tốn.
Để sản phẩm được nhiều người biết tới, lãnh đạo hợp tác xã đã tích cực đi nhiều nơi để tham quan mô hình, dự các hội chợ, đem sản phẩm giới thiệu ở các nơi. Nhờ chú trọng chất lượng và kiên trì quảng bá, sản phẩm tôm khô của hợp tác xã đã được khách hàng đánh giá cao. Từ đó, hợp tác xã đã liên tục phát triển thêm các thành viên và sản phẩm. Đến nay, đơn vị đã có 15 sản phẩm từ tôm, hải sản địa phương, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc. Hợp tác xã Tân Phát Lợi cũng đã hình thành 14 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Nhờ đó, hợp tác xã đã trở thành điểm tựa sản xuất, làm giàu cho các thành viên và nông dân liên kết.
Cà Mau phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể. Ảnh: Mỹ Trân/Camau.gov.vn |
Đánh giá về những kết quả tích cực từ kinh tế tập thể, ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 tổ hợp tác (nâng tổng số hiện có 990 tổ hợp tác) và 35 hợp tác xã (nâng tổng số lên 288 hợp tác xã). Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã ước đạt 1 tỷ đồng/năm, trong đó lãi bình quân ước đạt 300 triệu đồng. Từ hoạt động của các hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.760 lao động. Cùng với đó đã thành lập 2 liên hiệp hợp tác xã và 13 mô hình hội quán... Tính đến tháng 2/2024 Cà Mau có 1.237 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực; trong đó, có 936 tổ hợp tác, 299 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã.
Bên cạnh đó, sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, qua đó xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Cần hình thành các chuỗi sản xuất
Phát huy những kết quả đã đạt được, Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024 – 2030 đặt mục tiêu xây dựng thí điểm 18 mô hình hợp tác xã điểm (mỗi huyện 2 mô hình) và 02 liên hiệp hợp tác xã điểm; 54 mô hình hợp tác xã vệ tinh của các mô hình hợp tác xã điểm (mỗi hợp tác xã điểm có 03 hợp tác xã vệ tinh). Đồng thời hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật.
Song song đó, triển khai dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2024, với 10 mục tiêu cụ thể như: Hoàn thành 50% tiến độ xây dựng thí điểm 02 mô hình hợp tác xã điểm và 6 mô hình hợp tác xã vệ tinh của các mô hình hợp tác xã điểm (mỗi hợp tác xã điểm có 3 hợp tác xã vệ tinh) trên địa bàn 9 huyện, thành phố Cà Mau; tăng số lượng bình quân thành viên/hợp tác xã toàn tỉnh từ 15 thành viên/hợp tác xã năm 2023 đạt 22 thành viên/HTX năm 2024;…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, kinh tế tập thể phải xác định là thành phần kinh tế quan trọng. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay… Nhận thức và tư duy này cần phải thấm nhuần trong toàn hệ thống chính trị, từ đó mới tạo được sự lan tỏa trong nhân dân.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cấp ủy chính quyền và cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong triển khai. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong đảng viên và quần chúng nhân dân về bản chất, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cơ sở; phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và triển khai thường xuyên. Đồng thời, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, để khu vực kinh tế này không chỉ lớn mạnh về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nêu rõ.
Đồng thời, Bí thư tỉnh ủy lưu ý Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện thành phố dựa vào đặc thù, thế mạnh của mình chọn mỗi huyện, thành phố từ 2 - 3 mô hình hợp tác có hiệu quả, nhiều dịch vụ và phải hình thành được chuỗi sản xuất, để hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã. Trong xây dựng mô hình phải bám chặt các quy định và giữ nguyên bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.