Cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ giảm sâu
Vào những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí rất thấp, mọi người cần chú ý các cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm.
Hạn chế ra khỏi nhà trong những thời điểm trời lạnh nhất, tốt nhất nên ở trong nhà, trong phòng làm việc là những nơi kín gió |
Nhiệt độ giảm sâu, nhất là ở các tỉnh miền Bắc có thể làm nặng thêm các bệnh tiềm ẩn, đặc biệt ở người cao tuổi. Trong thời tiết lạnh giá, những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương hơn cần đặc biệt chú ý, cụ thể là:
Người cao tuổi trên 65 tuổi; Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Người mắc bệnh mạn tính, người bệnh tâm thần; Phụ nữ mang thai.
Cách bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh: Các bác sĩ khuyến cáo, với thời tiết lạnh ở miền Bắc thời gian này cần chú ý:
Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Hạn chế ra khỏi nhà trong những thời điểm trời lạnh nhất, tốt nhất nên ở trong nhà, trong phòng làm việc là những nơi kín gió.
Mặc quần áo ấm phù hợp, đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, đi tất. Sử dụng nhiều lớp quần áo (thay vì một lớp áo ấm), phù hợp với nhiệt độ của môi trường xung quanh (trong nhà hoặc bên ngoài). Vào thời điểm này trong năm, hãy mặc nhiều lớp "như củ hành". Tránh mặc quần áo bó sát vì chúng cản trở quá trình lưu thông máu.
Đi giày thoải mái và ấm áp, có độ bám tốt để tránh té ngã, đặc biệt là trên nền đất ẩm ướt.
Tăng cường bảo vệ đầu, mặt và các chi (tay và chân), sử dụng găng tay, mũ lưỡi trai, tất ấm và khăn quàng cổ (tốt nhất là bằng len, cotton).
Chú ý chăm sóc da, đặc biệt ở những vùng da hở, nếu cần, hãy thoa kem dưỡng ẩm.
Duy trì thói quen tập thể dục tốt nhưng tránh tập thể dục cường độ cao ngoài trời khi thời tiết lạnh.
Những lưu ý cần thực hiện tại nhà: Nhiệt độ trong nhà nên duy trì ở mức tối thiểu 18°C, đặc biệt khi có người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính hoặc có vấn đề về di chuyển.
Đối với những người khỏe mạnh năng động, nhiệt độ phòng dưới 18°C là hoàn toàn có thể chấp nhận được, miễn là họ cảm thấy thoải mái.
Trẻ nên ngủ ở nhiệt độ phòng từ 16°C đến 20°C.
Sục khí và thông gió cho ngôi nhà hàng ngày để ngăn chặn sự ngưng tụ hơi nước và độ ẩm. Tốt nhất, hãy tận dụng khoảng thời gian từ giữa buổi sáng đến đầu giờ chiều, khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn. Sau đó, đóng cửa ra vào và cửa sổ ngăn gió lùa.
Để làm ấm giường, hãy sử dụng chai nước nóng hoặc chăn điện nhưng không bao giờ sử dụng cả hai cùng lúc. Lưu ý luôn tắt chăn điện khi đi ngủ.
Thường xuyên kiểm tra hoạt động tốt của thiết bị sưởi ấm bằng điện hoặc gas trước khi sử dụng.
Khi sử dụng lò sưởi hãy kiểm tra xem phòng có đủ thông gió hay không để tránh tích tụ khí độc hại.
Giữ thiết bị sưởi xa người, đồ đạc và các vật liệu khác, đặc biệt là những vật liệu dễ cháy. Đặc biệt chú ý đến người cao tuổi và trẻ em để tránh bị bỏng.
Không sử dụng thiết bị sưởi ấm ngoài trời ở không gian bên trong và ngược lại.
Không sử dụng sưởi than, sưởi củi vì nguy hiểm cho sức khỏe và nguy cơ cháy.
Trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, hãy nhớ tắt thiết bị sưởi để tránh hỏa hoạn hoặc nhiễm độc.
Trên đường di chuyển hoặc làm việc ngoài trời: Những người làm việc ngoài trời lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể, nếu đốt củi sưởi ấm cần chú ý độ an toàn.
Mặc ấm, che chắn kỹ các vùng đầu, tai, cổ, tay… khi đi xe máy.
Khi lái xe ô tô, nên làm ấm nội thất xe, chú ý thông gió và thay đổi nhiệt độ.
Lưu ý chế độ ăn uống khi trời lạnh: Chế độ dinh dưỡng tốt giúp tăng cường sức đề kháng.
Những ngày trời lạnh, cần duy trì trạng thái hydrat hóa tốt, uống đủ nước. Để giúp khởi động cả ngày, hãy uống đồ uống nóng (nước, sữa và trà) và thức ăn nóng (ví dụ như súp, cháo, phở). Ăn ít nhất một bữa ăn nóng mỗi ngày. Tránh đồ uống có cồn và cố gắng ăn ít nhất năm phần trái cây và rau quả hàng ngày.
Thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn khi trời lạnh: Một trong những điều tốt nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện tâm trạng là bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Đây là những thực phẩm như trái cây họ cam quýt, cam, xoài, chanh, kiwi, bông cải xanh, ớt chuông và dâu tây.
Những lựa chọn thực phẩm sau đây không chỉ tốt cho sức khỏe mùa đông mà còn có thể cải thiện tâm trạng:
- Rau củ: Các loại rau củ như cà rốt tăng cường beta-carotene hoặc luộc củ cải để cung cấp vitamin C và A.
- Bông cải xanh và súp lơ: Những loại rau họ cải này có thể là biện pháp bảo vệ hàng đầu giúp bạn chống lại bệnh tật mùa đông. Bông cải xanh và súp lơ đều chứa nhiều vitamin C, có liên quan đến việc tăng cường chức năng miễn dịch.
- Thực phẩm giàu vitamin D: Nên bổ sung vào thực đơn trong những tháng mùa đông. Nguồn vitamin D tuyệt vời là nấm hương, cá hồi, lòng đỏ trứng, ngũ cốc tăng cường, sữa và thịt đỏ.
- Cháo bột yến mạch: Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết trong mùa đông. Bột yến mạch có thể được thay đổi bằng cách thêm các loại gia vị ấm như quế, bạch đậu khấu và nhục đậu khấu mà không cần thêm calo, chất béo, đường hoặc muối. Bột yến mạch có nhiều kẽm (quan trọng đối với chức năng miễn dịch thích hợp) và chất xơ hòa tan (có liên quan đến sức khỏe tim mạch).
- Canh, súp: Súp là món ăn hoàn hảo của mùa đông, có thể nấu súp, canh từ nước luộc gà, nước luộc rau, thêm nhiều rau, đậu vào súp để bổ sung thêm protein không béo cũng như nhiều chất xơ cần thiết. Protein và chất xơ đều hạn chế sự thèm ăn bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu, điều này có thể giúp kiểm soát cơn đói và cải thiện tâm trạng.
- Đồ ăn nhẹ tăng cường tâm trạng: Hãy chọn khoai lang, củ cải đường và quả óc chó.