Cải cách hành chính của Bộ Công Thương: Hướng đến minh bạch và nỗ lực đạt tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Tin hoạt động 22/08/2016 20:28
Tập huấn sử dụng hệ thống văn bản điện tử - bước đi quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương |
Theo ông Đào Văn Hải - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, việc đánh giá PAR INDEX của Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện theo 7 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hoá hành chính. Trong đó có 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần nhằm đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã cùng nhau phân tích, những ưu và khuyết điểm trong công tác CCHC (cả công tác chỉ đạo CCHC của lãnh đạo Bộ) năm 2015. Những lĩnh vực được đánh giá tốt như: Chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (có những lĩnh vực đạt điểm tối đa như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật…). Tuy nhiên, tiêu chí thanh tra, kiểm tra lại bị mất điểm. Tóm lại, điểm Chỉ số CCHC của Bộ Công Thương năm 2015 với điểm theo Bộ Nội vụ thẩm định: 50,00 điểm/60 điểm; điểm điều tra xã hội học: 32,19 điểm/40 điểm. Tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Công Thương năm 2015 đạt 82,19 điểm, tăng 6,04 điểm so với năm 2014 nhưng thứ bậc bị tụt.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, CCHC không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà phải đo bằng sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thời gian tới cần bám sát 7 lĩnh vực nêu trên trong công tác CCHC; chủ động rà soát và phân tích, đánh giá từng lĩnh vực; nỗ lực nhiều hơn đến mức độ hài lòng của người dân, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp; thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác CCHC, biến nhận thức thành hành động trong thời gian tới. Các đơn vị thực hiện CCHC cần công khai, minh bạch, tập trung xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; ngoài ra, căn cứ trên các cam kết hội nhập, xây dựng các văn bản phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp với chức năng kiến tạo của Chính phủ.
Bộ trưởng kiên quyết: "Cần căn cứ vào tiêu chí để làm rõ được những bất cập trong công tác tổ chức điều hành của Bộ Công Thương. Tôi đề nghị các đơn vị phân tích, làm rõ vai trò, nhiệm vụ liên quan đến văn bản pháp quy, thể chế theo hướng minh bạch, đơn giản, công khai nhằm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, phù hợp nhằm đáp ứng được hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp".