Cải cách hành chính: Nâng cao vai trò của thủ trưởng đơn vị
Tin hoạt động 13/12/2016 13:33
Ông Trần Hữu Linh - Chánh văn phòng Bộ Công Thương - phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Hữu Linh - Chánh Văn phòng, đại diện đơn vị đầu mối cải cách hành chính của Bộ Công Thương - cho biết, công tác cải cách hành chính (CCHC) là một quá trình lâu dài với khối lượng công việc hết sức nặng nề. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như thái độ triển khai thực hiện nghiêm túc, thiết thực của từng đơn vị trong Bộ, chắc chắn mục tiêu CCHC của Bộ Công Thương sẽ đạt được hiệu quả.
Th.s Vũ Hồng Dân -Trưởng phòng Tư vấn Cải tiến Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam - trình bày tại hội nghị |
Được biết, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng đối với Khối cơ quan Bộ từ phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản ISO 9001:2015 và theo kế hoạch, các Tổng cục và Cục thuộc Bộ cũng sẽ chuyển đổi sang phiên bản mới trong năm 2017. Nhằm giới thiệu và trang bị những kiến thức cơ bản cho các đại biểu dự hội nghị để tiếp cận và ứng dụng thành công hệ thống này vào thực tế công việc, Thạc sỹ Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam - đã trao đổi về “Các yêu cầu mới của tiêu chuẩn chất lượng TCVN 9001:2015 và cách thức cập nhật hệ thống quản lý chất lượng tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương”.
Bổ sung thêm, ông Ngô Quang Phát - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - trao đổi 3 chuyên đề : Kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch CCHC theo Nghị quyết số 30C/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cách thức chấm điểm Chỉ số CCHC (PAR INDEX) thời gian qua và dự kiến điều chỉnh thời gian tới; Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS).
Ông Ngô Quang Phát - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - trình bày chuyên đề gồm 3 vấn đề lớn |
Tóm tắt về công tác CCHC của Bộ Công Thương những năm vừa qua và đánh giá quá trình triển khai ứng dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử tại Bộ Công Thương; ông Trần Hữu Linh thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong việc thực hiện công tác CCHC của Bộ. Đó là: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu gắn với công tác thi đua nên có tình trạng thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức. Công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả chưa cao, chưa nhận được sự công nhận cao của dư luận, ảnh hưởng đến kết quả điều tra xã hội học. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ thực hiện chưa đầy đủ. Thêm vào đó, một số văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách do Bộ ban hành hiệu quả còn chưa cao; việc cập nhật, công bố thủ tục hành chính (TTHC) trên cơ sở dữ liệu quốc gia chưa kịp thời; chất lượng TTHC qua điều tra xã hội học vẫn còn hạn chế về sự cần thiết, tính hợp lý cũng như mức độ thuận tiện trong thực hiện. Công tác kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động, công tác CCHC đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học công nghệ công lập qua điều tra xã hội học còn hạn chế. Cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ chưa đầy đủ, kịp thời về các thông tin về mua sắm, đấu thầu; thông tin đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ; thông tin về doanh nghiệp...
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cũng chỉ rõ những khó khăn khi thực hiện công tác CCHC của Bộ Công Thương. Đó là, Bộ quản lý đa ngành, lĩnh vực nên việc tổ chức triển khai thực hiện không thể tránh khỏi những sai sót dẫn đến kết quả điều tra xã hội học dễ bị mất điểm. Hơn nữa, CCHC tác động hầu hết lĩnh vực hoạt động của Bộ, đặc biệt TTHC liên quan đến doanh nghiệp; nếu chỉ đạo quyết liệt, cắt bỏ, đơn giản hóa TTHC, đưa lên online cấp độ 3 và 4, xây dựng và thực hiện đúng đề án vị trí việc làm có thể ảnh hưởng đến cán bộ. Kinh phí của Bộ, các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khoa học công nghệ còn hạn chế nên việc phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương không đáp ứng được theo đề xuất của các Sở Công Thương...
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết tốt nhất các vấn đề còn tồn tại. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt CCHC đến từng cán bộ; coi CCHC là ưu tiên; cung cấp thông tin rộng rãi về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC giúp dư luận đồng thuận. Tuyên truyền quan điểm, chủ trương về cải cách TTHC, không phải là việc cắt giảm các TTHC mà là việc cần phải làm thế nào để các TTHC đảm bảo đơn giản, phù hợp, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện CCHC riêng tại đơn vị; phân giao thực hiện cụ thể cho từng bộ phận; kiểm tra, đôn đốc. Đẩy mạnh phát huy và nhân rộng những sáng kiến trong CCHC của các đơn vị trong và ngoài Bộ. Cung cấp đầy đủ thông tin lên website của Bộ. Chủ động giải thích với địa phương để đồng thuận, không làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra xã hội học. Đặc biệt, nâng cao vai trò của thủ trưởng đơn vị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công khai và hiện đại hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, xây dựng quy trình giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực thi CCHC, họp rà soát tình hình hàng quý cho tới khi công tác CCHC đã thực sự đi vào nền nếp" - ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Và việc làm ngay, đổi mới ngay công tác CCHC trong Bộ đã được ông Trần Hữu Linh dẫn chứng cụ thể bằng việc công bố Quyết định 4846/QĐ-BCT về Phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017. Theo đó, bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi Bộ quản lý. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. "Việc xóa bỏ và đơn giản hóa TTHC nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công Thương đang hướng tới nằm trong Top 10 các bộ, ngành dẫn đầu về công tác CCHC năm 2016" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Phần thảo luận "nóng" hơn với các ý kiến đóng góp thiết thực cho công tác CCTTHC trong Bộ của các đại biểu đến từ các cục, vụ, đơn vị trong Bộ, ghi nhận những đổi mới, cách làm của các đơn vị đầu mối CCHC trong Bộ cũng như trao đổi về những thuận lợi, khó khăn đang gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong quá trình triển khai công tác CCHC và ứng dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử tại Bộ. Các câu hỏi đều đã nhận được các giải đáp cụ thể.
TIN LIÊN QUAN | |