Thanh Hóa cần tập trung phát triển khu công nghiệp xanh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Thủ tướng: Phấn đấu đưa Đồng Nai thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước |
Cải cách hành chính tạo ra môi trường thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư và đã tạo ra sự bứt phá về kinh tế - xã hội. Trong đó phải nói đến công tác cải cách hành chính (CCHC) đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, tỉnh đã thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025”. Sau 4 năm thực hiện CCHC, tỉnh Thanh Hóa đã có sự bứt phá rõ rệt về kinh tế - xã hội; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Sau 4 năm thực hiện CCHC, tỉnh Thanh Hóa đã có sự bứt phá rõ rệt về kinh tế - xã hội; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ảnh: Thu Vui. |
Theo đó, một số cơ chế, chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư đã được bổ sung, hoàn thiện kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả. Thủ tục hành chính (TTHC) chuyển biến rõ nét theo hướng công khai, nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện; duy trì tỷ lệ trả kết quả giải quyết TTHC đúng hạn từ 98% trở lên, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt từ 85% trở lên.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cũng được tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiệu quả. Công tác quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp ngày càng chặt chẽ. Hiệu quả quản lý tài chính công được nâng cao. Chuyển đổi số trong nền hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành.
Đẩy mạnh CCHC đã tạo môi trường thông thoáng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, của tỉnh Thanh Hóa. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho thấy, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 20/9/2024, toàn tỉnh đã thu hút 350 dự án đầu tư trực tiếp. Trong đó, có 55 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 58.480 tỷ đồng và 831,6 triệu USD. Đáng chú ý, số lượng các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa ngày càng nhiều. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn và các nước ngày càng được củng cố, mở rộng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, cần phải điều chỉnh trong CCHC. Cụ thể, việc thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025” còn những khó khăn, hạn chế đó là tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC vẫn còn, đặc biệt là ở lĩnh vực đất đai; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc ứng dụng các dịch vụ thông minh và giải quyết TTHC trên môi trường mạng chưa được người dân, doanh nghiệp thật sự quan tâm. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là ở cấp xã.
Từ đầu năm 2021 đến hết ngày 20/9/2024, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 350 dự án đầu tư trực tiếp. Trong đó, có 55 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 58.480 tỷ đồng và 831,6 triệu USD. Ảnh: Minh Hiếu. |
Đáng chú ý, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp trong nước vào tỉnh Thanh Hóa đã giảm so với cùng kỳ; chưa thu hút được các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, chợ... Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) chưa ổn định; Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tuy đã được cải thiện nhưng một số chỉ số thành phần còn xếp thứ hạng thấp so với cả nước...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết: Nâng cao chất lượng công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, năng động là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng.
Để làm nổi bật hơn những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đề nghị Sở Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, cần bổ sung thêm nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan như y tế, giáo dục, BHXH, ngoại vụ... trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư. Trên cơ sở rà soát lại số liệu, các sở, ngành cung cấp thêm thông tin để Sở Nội vụ bổ sung đối với một số chỉ tiêu đang thực hiện dự kiến hoàn thành trong năm 2025; giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2025-2030, ngoài các nhóm giải pháp lớn, trọng tâm, cần rà soát lại mục tiêu phấn đấu của các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, bảo đảm việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.