FDI châu Âu vào Việt Nam tăng mạnh sau EVFTA
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hiện Liên minh châu Âu là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỷ USD được đầu tư vào 2.450 dự án.
Kể từ khi ký kết EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào Việt Nam với gần 2.250 dự án của Việt Nam |
Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số số các quốc gia châu Âu đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan dẫn đầu với 432 dự án, với tổng vốn đăng ký 14,205 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng số dự án và 51,09% tổng số vốn đầu tư.
Theo EuroCham, hoạt động đầu tư của EU với Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu – Việt Nam, (EVFTA) được thực hiện vào năm 2020. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã thúc đẩy tăng cường đáng kể đầu tư và thương mại song phương.
Cụ thể, kể từ khi ký kết EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào Việt Nam với gần 2.250 dự án của Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã được chấp thuận đầu tư 1 tỷ USD vào một nhà máy ở Việt Nam không phát thải carbon.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng: Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam.
Khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của EuroCham mới đây đã xác nhận sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Đáng chú ý, là 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ.
Ấn tượng hơn là, 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất, cùng với đó, hơn một nửa số người được khảo sát tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào cuối năm 2024, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Sự bùng nổ đầu tư này cho thấy hiệu quả của các Hiệp định thương mại tự do trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và biến Việt Nam thành điểm đến chiến lược.
Môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện |
Gia tăng cơ hội hút vốn đầu tư từ châu Âu
Dù có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu, nhưng EuroCham cũng đưa ra những thách thức doanh nghiệp châu Âu đang gặp phải khi đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, 59% doanh nghiệp EU vẫn cho rằng những khó khăn về hành chính là thách thức chính của họ khi hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những thách thức như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, các trở ngại trong việc xin phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những rào cản nổi bật.
Để cải thiện thu hút FDI của Việt Nam, 58% số người được hỏi cho rằng tinh giản bộ máy hành chính là giải pháp mấu chốt, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, tính bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các công ty châu Âu tại Việt Nam, với 80% cho rằng việc tuân thủ ESG là rất quan trọng hoặc quan trọng ở mức vừa phải. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn khi áp dụng các chính sách ưu tiên vào thực tiễn. Sự thiếu chắc chắn trong quy định, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và thiếu hỗ trợ của Chính phủ được coi là những trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp bền vững tại địa phương. Ngoài ra, chỉ có 20% doanh nghiệp chủ động chuẩn bị cho các quy định xanh đang chờ ban hành của EU, chẳng hạn như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM).
Để cải thiện môi trường đầu tư, ông Michel Cassagnes - Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng, Eurocham - kiến nghị, Việt Nam cần đơn giản hóa quá trình cấp chứng nhận thiết bị để tránh chậm trễ dự án. Trong khi đó, ông Hans Kerstens - Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần, Eurocham - đề xuất Việt Nam tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics và cải thiện chỉ số hiệu quả hoạt động logistics của Việt Nam. Hải quan cần có một bộ văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục hải quan, ưu đãi thuế quan, làm rõ các quy định phân loại mã HS và tiếp tục thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ: Năm 2023, 628 quy định kinh doanh đã được cắt giảm tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2024, ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá. Đến 2025, mục tiêu hoàn thành phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực. |