CôngThương - Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ tiềm năng thị trường này và có định hướng phát triển lâu dài, bền vững, sáng nay (28/9/2011), Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn III (EU - Việt Nam MUTRAP III) đã tổ chức chương trình Đối thoại trực tuyến về thị trường Campuchia trên Cổng thông tin Thị trường nước ngoài ()
Ông Vũ Thịnh Cường- Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, thị trường Campuchia có rất nhiều điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam: đường biên giới gần gũi, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia; có 10 cửa khẩu quốc tế gồm nhiều cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ; nhiều đường mòn nối liền hai nước có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi ở cả hai bên; khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnôm Pênh chỉ có 230 km.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của Campuchia lớn, yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật không quá cao, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam. Người tiêu dùng Campuchia đang chuyển hướng sang dùng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay hàng Thái Lan. Thời gian gần đây, kim ngạch nhập hàng Việt Nam đã ngang với Thái Lan, bởi hàng Việt Nam có giá cả tương đối rẻ, nhưng chất lượng lại tương đương với hàng Thái Lan và ổn định hơn hàng Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ gần gũi, duy trì sự hòa bình giữa hai nước, việc giao thương, trao đổi hàng hóa giữa biên giới hai nước hết sức thuận lợi. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh qua các năm, chủ yếu Việt Nam xuất siêu sang Campuchia. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD tăng 33,6% so với năm 2009, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 1,509 tỷ USD tăng 31,17%, nhập khẩu 270,69 triệu USD tăng 66,9%.
Theo ông Cường, những mặt hàng mà Campuchia có nhu cầu nhập khẩu cao là: xăng dầu, hàng tiêu dùng (đồ dùng trong gia đình, thực phẩm, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc), vật tư nông nghiệp (phân bón , giống cây, máy cày, máy gieo lúa), vật liệu xây dựng (sắt thép, ciment), nguyên phù liệu phục vụ cho nggành may mặc và giày dép.
Ông Cường cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia cần chú ý những đặc điểm của phía bạn như: thủ tục nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu và đường giao thông phía Campuchia thường phải tốn kém các chi phí không chính thức khiến chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam tăng cao. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc với hàng Việt Nam.
Một vấn đề nữa doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi hợp tác với các doanh nghiệp Campuchia là sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động thương mại của các thương nhân Campuchia, nhất là trong khâu thanh toán qua ngân hàng..., hình thức thanh toán qua ngân hàng bằng L/C chưa phổ biến, thường giao hàng và thanh toán tại khu vực cửa khẩu biên giới, điều này cũng gây rất nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam.