Cân bằng thương mại với Hàn Quốc: Những tín hiệu mới
Hàn Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam
- Những tín hiệu mới
Hiện, Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản về kim ngạch thương mại với Việt Nam. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) về thương mại hàng hóa có hiệu lực năm 2007, tốc độ tăng trưởng thương mại song phương có bước đột phá. Trong giai đoạn 2007-2010 đạt trên 29%.
Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trong thương mại với Hàn Quốc là việc Việt Nam nhập siêu cao. Năm 2001, Việt Nam thâm hụt thương mại trên 1,4 tỷ USD nhưng đến năm 2008 tăng lên 5,3 tỷ USD. Năm 2009, mức thâm hụt có giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn ở mức cao 4,9 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu.
Thương mại hai chiều năm 2010 đạt 12,853 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam chưa bằng 1/3 nhập khẩu từ Hàn Quốc (3,092 tỷ USD so với 9,761 tỷ USD). Đây là mức thâm hụt lớn nhất trong 10 năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2011, nhập siêu có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 5 tỷ USD, tăng 20,4%.
Nội dung chính hợp tác giữa Vietrade và KOIMA Tăng cường trao đổi thông tin về thương mại, chính sách thương mại. Hỗ trợ và phối hợp tổ chức đoàn tham gia hội chợ, giao thương. Thành lập Ủy ban Xúc tiến thương mại hai bên với cơ cấu 3 tiểu ban nhằm xét kết quả hợp tác song phương. Vietrade sẽ tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng nhập khẩu của KOIMA. |
Nguyên nhân của tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam là nhu cầu sản xuất trong nước cộng với sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Nhập siêu từ Hàn Quốc được đánh giá là tích cực vì cơ cấu nhập khẩu chủ yếu đầu vào cho sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu.
8 tháng đầu năm 2011, thương mại với Hàn Quốc đã cho thấy tín hiệu rõ nét về giảm mức nhập siêu với sự tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng và sự xuất hiện các mặt hàng mới.
Đáng ghi nhận là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc đã có chuyển biến tích cực, nhóm hàng công nghiệp có tỷ trọng ngày càng cao và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đã có xu hướng giảm.
Hàn Quốc nhập khẩu nhiều hơn
Diễn biễn tại các cuộc giao thương được tổ chức liên tục giữa hai nước gần đây cho thấy, xu hướng Hàn Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam là rất rõ ràng. Mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam là mục đích của đoàn gồm gần 30 doanh nghiệp (DN) thuộc KOIMA đến Việt Nam lần này. Ông Lee Ju Tae - Chủ tịch KOIMA khẳng định: “Việt Nam sẽ là nguồn cung chiến lược của Hàn Quốc và KOIMA sẽ đi đầu trong xu hướng Hàn Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam”. Năm 2012, KOIMA có kế hoạch đưa đoàn DN quy mô lớn hơn sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác cung cấp.
Nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc năm 2011 trên 500 tỷ USD và Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn về nắm thị phần lớn hơn trong nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến… Ông Lee Ju Tae khuyến cáo, DN Việt Nam muốn tìm thị trường ở Hàn Quốc có thể liên lạc trực tiếp với KOIMA để nhận hỗ trợ cụ thể.
Bộ trưởng Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc - Joong Kyung Choi cho rằng, rất nhiều trong số hơn 2.200 nhà DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam có mục đích đầu tư để cung cấp cho thị trường Hàn Quốc. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang được DN Hàn Quốc quan tâm đặc biệt.
Ông Cho Byung Ha - Tổng giám đốc Công ty Koom Yang chia sẻ, DN của ông sang Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác trong ngành vật liệu xây dựng và thiết bị an ninh để thay thế cho nguồn cung từ khu vực khác. Kim ngạch nhập khẩu của Koom Yang trên 20 triệu USD/năm và thị trường nhập khẩu chính là Mỹ và EU.
EMart - chuỗi bán lẻ hiện có vài trăm trung tâm thương mại tại Hàn Quốc và Trung Quốc - bên cạnh mục đích tìm DN cung cấp, Việt Nam còn có kế hoạch mở các trung tâm thương mại tại Việt Nam. Ông Kang Young Seok, đại diện Emart nói: “Lựa chọn Việt Nam với hai mục đích nguồn cung và xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, chúng tôi sẽ thiết lập được sự kết nối chặt chẽ và nguồn cung ổn định cho toàn bộ hệ thống”.
Hỗ trợ cho kết nối kinh doanh giữa DN hai nước, ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, cục và KOIMA đã thỏa thuận hợp tác và thành lập Ủy ban Xúc tiến thương mại để tăng cường chất lượng và hiệu quả giao thương.
Doanh Chính