Cần có một Ban điều phối để liên kết hiệu quả
- Ông có thể cho biết mục tiêu hướng tới của Hội nghị ngành công thương lần này?
- Vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên gồm 14 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, diện tích 99.293,6 km2 và dân số khoảng 14,08 triệu người. Đây là vùng có địa hình phức tạp, có miền núi, đồng bằng và miền biển; tài nguyên đa dạng, phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh. Vùng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Những năm gần đây kinh tế vùng phát triển đạt nhịp độ tương đối cao, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên kinh tế vùng vẫn còn những hạn chế, giữa các tỉnh có sự phát triển không đồng đều, hoạt động hợp tác và liên kết để phát triển kinh tế đạt hiệu quả chưa cao.
Ông Nguyễn Xuân Thủy |
Hội nghị ngành Công Thương 14 tỉnh vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá kết quả hoạt động, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, tìm kiếm giải pháp và khả năng hợp tác, liên kết vùng; khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, vị trí địa lý và lợi thế so sánh của các tỉnh, thành trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại ngày càng mạnh mẽ, năng động hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các địa phương trong vùng năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 có khả quan?
- Hoạt động sản xuất công nghiệp kinh doanh thương mại (TM) năm 2010 của 14 tỉnh, thành phố vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng, của đất nước. Giá trị sản xuất công nghiệp vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên năm 2010 đạt 93.571 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2009 và vượt 2,3 % kế hoạch năm. Trong đó 5 tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức bình quân vùng là: Quảng Ngãi (17.759 tỷ đồng), Khánh Hòa (15.674 tỷ đồng), Đà Nẵng (13.035 tỷ đồng), Quảng Nam (10.125 tỷ đồng) và Thừa Thiên Huế (7.076 tỷ đồng.) Hai tỉnh thành đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của vùng là Quảng Ngãi (+156,3 %) và Đăk Nông (+37,1%); các tỉnh, thành còn lại có mức tăng đạt từ 10,1-27,2% so với năm 2009.
Đối với hoạt động TM, năm 2010 thị trường nội vùng có những bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2010 đạt 211.924, 5 tỷ đồng, tăng 38,8 % so với năm 2009 và vượt 14,6 % so với kế hoạch năm. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 4.652,2 triệu USD, tăng 28,1% so với năm 2009 và vượt 8,7 % kế hoạch năm. Nhập khẩu đạt kim ngạch 5.550,9 triệu USD (tăng 92,3% so với năm 2009), vượt 9,8 % kế hoạch năm.
Tiếp tục đà tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2011, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đạt những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 50.177,1 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ và đạt 45,6% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 130.789,5 tỷ đồng (tăng 25,5% so với cùng kỳ) và đạt 52,8% kế hoạch năm. Con số tương ứng của kim ngạch xuất khẩu là: ước 2.706,5 triệu USD, tăng 29,9% đạt 53,1% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu: ước đạt 3.491,8 triệu USD, tăng 63,4 %, đạt 59,4 % kế hoạch năm.
Vậy đâu là hạn chế chung của 14 tỉnh vùng duyên hải miền Trung- Tây Nguyên là gì, cần có những giải pháp nào để khắc phục?
- Hiện nay, mức độ đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại còn thấp; đa số các doanh nghiệp của vùng thuộc loại hình nhỏ và vừa; chất lượng sản phẩm tuy đã được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng cạnh tranh một số sản phẩm còn hạn chế; tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư…Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố khác như nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, thương mại thiếu và yếu, nhất là ngành công nghiệp có kỹ thuật công nghệ cao; công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; thiếu các giải pháp hữu hiệu, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong qúa trình đầu tư, sản xuất kinh doanh… Đặc biệt sự gắn kết, hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong vùng còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục theo tôi, trước hết chúng ta sớm tiến hành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới và triển khai tốt các đề án, dự án quy hoạch phát triển thuộc ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025 trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của ngành hàng năm, 5 năm (2011-2015) và định hướng đến 2020; đồng thời đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn chỉnh nội dung, tham mưu UBND trình HĐND ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020.
Hai là, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, hạ tầng thương mại, nhất là các cụm công nghiệp-làng nghề và chợ ở nông thôn, miền núi, hải đảo. Tập trung những sản phẩm có thị trường. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ba là, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển công nghiệp. Chuyển dịch và phát triển công nghiệp ở nông thôn, gắn kết phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các ngành có hiệu quả, các ngành có lợi thế cạnh tranh, có lợi thế xuất khẩu (lọc hoá dầu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, linh kiện điện tử, thuỷ điện,...), có tác động lan tỏa và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế; phát triển hợp lý các ngành có công nghệ cao; đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, để tăng năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ trọng sử dụng nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu cho các doanh nghiệp. Tích cực triển khai việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Bốn là, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lưu thông, phân phối đa dạng, kết hợp nhiều hình thức với nhiều thành phần kinh tế tham gia; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, hình thành hệ thống phân phối hiện đại gắn kết với khâu sản xuất, đủ sức điều tiết thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong Vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ ở nông thôn, miền núi và hải đảo; bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện các đề án khuyến công, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt quy định của pháp luật, của WTO; các thông tin, dự báo thị trường để chủ động kinh doanh, mở rộng và phát triển sản xuất.
Bảy là, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Tám là, tăng cường công tác thanh tra, công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chín là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, công khai, minh bạch, gọn nhẹ, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian cho tổ chức và công dân.
Tuy nhiên để các biện pháp thực sự có hiệu quả, một mặt các tỉnh, thành phố trong vùng cần chủ động, tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội, đầu tư sản xuất kinh doanh, nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng.; mặt khác cần thành lập một Ban điều phối chung để gắn kết. Ban này có sự tham gia của một số bộ, ngành, UBND các địa phương, Bộ Công Thương đứng ra làm đầu mối với vai trò "nhạc trưởng" để định hướng thu hút đầu tư, tổ chức lưu thông, liên kết với sản xuất và xuất nhập khẩu tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Trần Minh Tích thực hiện