Cần hành động đột phá để kịp thời thu hút vốn FDI
Tin hoạt động 23/07/2020 17:01
Thu hút vốn FDI dần tăng trở lại Việt Nam sẽ đón cơ hội vàng trong thu hút FDI Thu hút FDI: Nắng đẹp sau mưa Thêm “chất” cho vốn FDI |
Ngày 23/7, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác.
Tham gia cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ phó thường trực, các thành viên là lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam đang được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, cùng với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả.
“Đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, song cũng cần nhận diện rõ, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có những hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn”- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam |
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành thành viên Tổ công tác và các địa phương đã tích cực và chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp và trao đổi, phối hợp, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao, trong đó lưu ý việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong quá trình đó, cần đặc biệt lưu ý coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự cuộc họp |
Tổ công tác đã thống nhất kế hoạch triển khai trong các tháng cuối năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: Xúc tiến đầu tư; tham mưu, đề xuất chính sách; và truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.