Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam việc đánh giá hiệu quả đầu tư, sự kết nối của khối FDI với khối DN trong nước là rất quan trọng.
Thực tế, xét trên phương diện mối quan hệ giữa 2 khối DN này có thể thấy, hiện nay sự kết nối giữa khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước còn yếu. Số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ 14% số DN Việt Nam cho biết có quan hệ mua bán với DN FDI; khoảng 27% nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của khối FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác. Nếu không gắn kết, FDI sẽ không bén rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam, bất cứ thay đổi nào, khối nước ngoài cũng có thể chuyển sang nơi khác.
Việt Nam thiếu những DN tư nhân trong nước lớn làm đầu tàu để có thể dẫn dắt và kết nối (missing the middle). Do đó, việc thúc đẩy các DN nhỏ lớn lên, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu để tăng cường kết nối giữa khu vực FDI và tư nhân trong nước càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Để thực hiện hiệu quả sự kết nối này, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham - chỉ ra rằng, khi không có được nhà cung ứng là DN trong nước, nhiều công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các DN trong nước ra khỏi các DN FDI. Vì vậy, các chính sách liên kết FDI thường bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối DN, các chương trình phát triển nhà cung cấp có trọng tâm trọng điểm, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút, kết nối DN FDI và DN nội địa.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ giúp DN trong nước tiếp cận tài chính, chính sách phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đặt ra của DN FDI. Các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị.