Ảnh minh họa: internet
CôngThương - Dịch bệnh xảy ra với tôm ở đồng bằng sông Cửu Long như vừa qua, nhất là ở vùng trọng điểm nuôi tôm sú Sóc Trăng, đã khiến nhiều nhà máy chế biến rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản không dám ký đơn hàng xuất khẩu với đối tác.
Không dám ký đơn hàng
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi (Utxico), cho biết hiện các nhà máy của công ty chỉ hoạt động 50% công suất do thị trường không cung cấp đủ nguyên liệu. Điều đáng nói hơn, tôm chết nhiều khiến hoạt đông kinh doanh của công ty bị đảo lộn.
“Thời điểm này đã có một vài đối tác đặt đơn hàng cho mùa cao điểm giáng sinh, tết Dương lịch. Tuy nhiên, do không chắc chắn có đủ nguyên liệu nên chúng tôi không dám ký hợp đồng” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho hay trong vòng 10 năm qua, chưa bao giờ DN và người nuôi tôm ở miền Tây rơi vào hoàn cảnh bi đát như bây giờ. Hiện việc mua nguyên liệu rất khó và giá cao. Tuy nhiên, DN phải tranh nhau mua để bảo đảm hoạt động sản xuất và việc làm cho công nhân.
Ông Kịch nói: “Với những gì đang diễn ra thì xuất khẩu tôm năm nay sẽ khó đạt kế hoạch như dự kiến. Tuy nhiên, với DN điều đó không quan trọng bằng việc thiếu nguyên liệu sẽ khiến hàng ngàn người lao động không có việc làm”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho hay Sóc Trăng là vùng trọng điểm về sản lượng tôm công nghiệp. Cho nên tôm chết như vừa qua khiến thời điểm thu hoạch tôm sẽ phải lùi lại. Từ đó gây ra khó khăn cho DN thực hiện hợp đồng về tôm sú, tôm công nghiệp phục vụ cho thị trường Nhật, Mỹ… Chắc chắn tháng 7-8 tới, ngành tôm sẽ thiếu hụt một lượng đáng kể nguyên liệu xuất khẩu.
Sợ mất thị trường
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, cho hay để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều người nuôi và DN đã chuyển sang thả tôm thẻ thay thế cho tôm sú. Hiện việc nuôi tôm thẻ chỉ mất ba tháng là có thành phẩm, trong khi với tôm sú thời gian cho ra thành phẩm phải hơn năm tháng. Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng cũng nâng cơ cấu xuất khẩu tôm sú-tôm thẻ lên theo tỉ lệ 50-50, thay cho con số 80-20 như trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Phẩm, trên thị trường, tôm sú vẫn có lợi thế nhiều hơn so với tôm thẻ. Hiện chỉ có hai nước Việt Nam và Ấn Độ còn nuôi tôm sú nên giá bán mặt hàng này rất cao, thị trường hút hàng. Ngược lại, việc xuất khẩu tôm thẻ đang có sự cạnh tranh khốc liệt do có quá nhiều nước xuất khẩu.
Bàn về việc nuôi tôm thẻ thay tôm sú, ông Kịch cho hay đây là hướng đi đúng trong tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, việc thay thế cũng không dễ, vì muốn chuyển qua tôm thẻ, DN phải tốn thêm tiền cho con giống và mất nhiều thời gian học hỏi quy trình nuôi.
Trước tình cảnh thiếu nguyên liệu, phương án nhập khẩu nguyên liệu đang được một số DN tính đến. Tuy vậy, mức thuế quá cao, thủ tục nhập khẩu có nhiều rắc rối, thời gian hoàn thuế kéo dài đang là trở ngại đối với những DN có ý định nhập khẩu.
“Hiện đang có hai quan điểm liên quan đến việc nhập khẩu nguyên liệu. DN cho rằng nên tạo điều kiện nhập khẩu khi thiếu nguyên liệu. Điều này giúp DN giữ vững thị trường, từ đó tác động có lợi cho nông dân ở những mùa vụ sau. Trong khi đó, với lý do bảo vệ người nông dân, Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu. Theo tôi, Nhà nước phải tùy tình hình để có chính sách hợp lý. Như trong lúc này không có nguyên liệu, DN biết lấy gì mà sản xuất đây” - ông Nguyễn Văn Kịch phân tích.