Trong thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, xuất hiện tràn lan những thông tin bôi xấu, vu khống, suy diễn nhằm hạ thấp uy tín một số tổ chức và cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Cụ thể, những người tự xưng là nhà báo, Tiktoker (người dùng TikTok) tung ra rất nhiều bài viết theo kiểu "quy hoạch" đồng chí A, đồng chí B làm Chủ tịch nước; đồng chí C, D dự kiến làm Tổng Bí thư, ông Đ, E vào Bộ Chính trị,... Hay với những tiêu đề giật gân, câu khách, kiểu "thầy bói xem voi" như: Vị lãnh đạo A có khối tài sản khổng lồ, vị lãnh đạo B có sân sau của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia. Hoặc có những bài viết với nội dung theo kiểu lấp lửng về đời tư của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để nhằm phục vụ mục đích xấu.
Thực ra, những “chiêu trò” này không lạ, không mới của những kẻ “ném đá giấu tay”. Theo nhận định của GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an thì đây là những “bổn cũ soạn lại”.
GS. TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết, những phương thức, thủ đoạn và cách thức chống phá của các thế lực thù địch không có gì mới. Tuy nhiên, vào những thời điểm đất nước có các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn, hay trong dịp Đảng và Nhà nước có sự thay đổi nhân sự cấp cao, các đối tượng, các thế lực thù địch, các phần tử phản động bất mãn, hoặc cơ hội chính trị sẽ lợi dụng tình hình này để tăng cường chống phá.
“Kẻ địch và những phần tử xấu chọn thời điểm này là có sự tính toán kỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang có những quyết định quan trọng để hoàn thiện nhân sự trong bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương; có những quyết định quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong giải quyết các vụ án hình sự lớn... Chính vì vậy, các thế lực phản động và kẻ xấu đã đưa ra nhiều thông tin xấu, độc để chống phá”, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm nhận định; đồng thời cho biết, mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Lợi dụng mạng xã hội tung tin bịa đặt về lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật . Ảnh minh hoạ |
Nguy hiểm hơn là những thông tin giả, tin đồn thất thiệt về nhân sự đưa ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo lại được một số người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, hoặc vì những động cơ xấu đã phát tán, chia sẻ, lan truyền gây bất an trong dư luận. Không ít người cho rằng, mạng xã hội là môi trường “ảo” nên cứ thoải mái phát ngôn, tự do thông tin. Trong khi những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ của họ đã vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, chống đối suy diễn, lợi dụng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân, còn họ lại là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng tải, phát tán những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế, nhiều trường hợp phát ngôn vô căn cứ, xuyên tạc hình ảnh cá nhân, tập thể, bịa đặt thông tin về lãnh đạo đảng, Nhà nước đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Đơn cử, cuối năm 2023, Phòng An ninh mạng và Phòng, Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với ông H.V.Đ (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tỉnh Đắk Lắk; tạm trú tại phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Theo Công an tỉnh Bình Dương, ông Đ. thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải các thông tin, bình luận có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo trên không gian mạng.
Tại buổi làm việc với PA05 Công an tỉnh Bình Dương, ông Đ. đã thừa nhận các hành vi của mình và cam kết không tái phạm, đồng thời gỡ bỏ các nội dung bình luận tiêu cực đã đăng tải.
Trước đó, ngày 25/9/2023, Công an thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông D.T.N. (29 tuổi, trú tại thành phố Lào Cai) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội TikTok.
Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là TikTok, xuất hiện tràn lan những thông tin xấu |
Tại Phòng nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, bằng hệ thống rà quét tự động hiện đại này, các chiến sĩ an ninh luôn nắm bắt được mọi hoạt động của các tổ chức, các cá nhân chống phá trên không gian mạng. Những nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước… từ nguồn gốc đến đường phát tán đều được phát hiện, xử lý và ngăn chặn.
Trong khi đó, tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông, những “điểm nóng” như các tài khoản mạng xã hội của đối tượng thù địch, chống phá đều được giám sát chặt chẽ.
Trước sự gia tăng các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như TikTok đang “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok không đặt máy chủ tại Việt Nam là một rào cản để các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm soát triệt để các nền tảng này. Đồng thời, để làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động của Tiktok tại Việt Nam, cần có quy định pháp luật, quản lý Nhà nước đủ mạnh thì mới có thể đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng, lợi ích cho doanh nghiệp và quốc gia.
Có thể nói, cuộc đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật còn nhiều gian nan, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Chính vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đảng, Nhà nước và các lãnh đạo cấp cao trong giai đoạn hiện nay càng trở nên cần thiết và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.