Cần sẵn sàng phương án đưa hàng hóa thiết yếu về nông thôn, các vùng có người dân bị cách ly do dịch Covid-19
Ngày 14/8, Đoàn làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn TP Hà Nội do bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với chi nhánh Hà Nội- Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hiền- Giám đốc vùng khu vực Hà Nội hệ thống siêu thị VinMart- cho hay, hiện tại, doanh nghiệp có hơn 130 siêu thị Vinmart và 2.900 siêu thị mini Vinmart+ tại 63 tỉnh/thành phố. Riêng tại Hà Nội, Vincommerce có 52 siêu thị Vinmart và 828 cửa hàng Vinmart+. Công ty có 2 kho dự trữ hàng hóa với tổng diện tích 24.000m2, có thể dự trữ 1.400.000 sản phẩm/ngày.
Hiện công ty đang dự trữ 300 sản phẩm thiết yếu, mức dự trữ tăng từ 5-10 lần so với bình thường. Hàng hóa được lưu trữ ở kho và nhà cung cấp. Trong đó, hàng hóa lưu trữ trong kho từ 5-10 ngày để đảm bảo trong trường hợp hàng hóa nhà cung cấp chưa kịp giao trong thời gian này thì phía doanh nghiệp vẫn có đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng làm việc với các nhà cung cấp và thực hiện cam kết với các nhà cung cấp đảm bảo nguồn hàng cho doanh nghiệp.
Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng tại Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce-chi nhánh Hà Nội |
Đại diện Công ty cũng cho biết, doanh nghiệp đảm bảo được năng lực điều phối hàng hóa, nhân sự vận chuyển, kho mát và kho khô với gần 1.000 cán bộ nhân viên phục vụ và các phương tiện vận chuyển đầy đủ. Các hàng hóa tại hệ thống được công ty cam kết đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, không tăng giá dù chi phí vận chuyển có tăng cao so với thời điểm không có dịch.
Về kênh phân phối, để đảm bảo không xảy ra tình trạng dồn khách hàng quá lớn, tích trữ hàng hóa, phía công ty đã tích cực tuyên truyền cho người tiêu dùng. Đồng thời, mở 3 kênh bán hàng online (qua điện thoại, qua phần mềm và website) để khách hàng có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày mà không có sự khó khăn.
Để đảm bảo phòng, chống dịch, công ty đã thành lập Ban chỉ đạo và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch, bệnh, cách phòng chống Covid-19 cho cán bộ, nhân viên. Thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho tất cả cán bộ, nhân viên cũng như 100% khách hàng đến mua sắm tại siêu thị. Khi cần thiết, việc thanh toán tiền cũng được thực hiện giãn cách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn Thành phố, đại diện Công ty kiến nghị Thành phố tạo điều kiện để các xe giao hàng được hoạt động, giao hàng vào các khung giờ cấm. Bởi việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong thời gian dịch là cấp bách và biến động nhanh, không giống như việc đảm bảo cung cầu vào dịp lễ, tết.
Ngoài ra, vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất là quy định chính sách của mỗi tỉnh mỗi khác trong chống dịch Covid-19, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, gây bị động trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các tỉnh. Phía doanh nghiệp cũng đề nghị, cần có giải pháp tổng thể luôn để doanh nghiệp có hướng xử lý, đáp ứng nguồn cung kịp thời.
Người tiêu dùng tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 |
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan- đánh giá, Công ty đã thực hiện rất tốt việc dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; có phương án phòng chống dịch cho cán bộ nhân viên và các điểm kinh doanh. Đồng chí đề nghị doanh nghiệp tiếp tục triển khai tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bởi khi thực hiện càng tốt, càng khắt khe thì việc kiểm soát được dịch bệnh càng cao.
Trong công tác dự trữ hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu công ty bố trí đầy đủ hàng hóa tại các cửa hàng, tăng lượng nhân viên nhất là những ngày cuối tuần. Hàng hóa tại kho hàng, nhà cung cấp cần đáp ứng đầy đủ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Hàng hóa cần đảm bảo đúng quy định an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không để khan hàng, tăng giá, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Vincommerce cần sẵn sàng phương án đưa hàng hóa về nông thôn, nhất là các vùng có người dân bị cách ly do dịch Covid-19. “Ở các địa phương chúng tôi đã bố trí các nhà văn hóa, trung tâm thể thao không sử dụng đến để các doanh nghiệp có thể đưa hàng đến nhất là các vùng có người dân cách ly”, bà Lan nói.
Liên quan đến xe vận chuyển, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp phải luôn luôn chủ động xe vận chuyển, nếu phát sinh lúc nào thì báo cáo ngay lúc đó để Sở tổng hợp báo cáo Thành phố tháo gỡ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân.
Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về quy định của các tỉnh thành phố không thống nhất. Để đảm bảo quy định phòng chống dịch, Sở cũng sẽ kiến nghị lên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội để báo cáo với Chính phủ, từ đó có 1 chỉ đạo chung nhất đối với 63 tỉnh thành trên cả nước về việc đảm bảo lưu thông hàng hóa phòng chống dịch của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.