Cần Thơ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội Cần Thơ: Dừng phát sóng công nghệ di động 2G từ tháng 9/2024 Cần Thơ: Nguồn cung khan hiếm, giao dịch giảm trong quý II/2024 |
Mới đây, tại huyện Cờ Đỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ phối hợp với UBND huyện Cờ Đỏ và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Group (Vina T&T) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, lô thanh nhãn 1,2 tấn được xuất khẩu bằng đường hàng không trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Tổ hợp tác Trạng Tí Garden, huyện Cờ Đỏ và Công ty Vina T&T. Đáng chú ý là giá thu mua xuất khẩu cho lô thanh nhãn này lên đến 70.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với giá bán "hàng chợ" tại địa phương.
Mức giá này mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân, góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Các đại biểu xem các trái thanh nhãn được chuẩn bị đưa đi xuất khẩu (Ảnh CTO). |
Anh Hoàng (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) phấn khởi cho biết: “Mặc dù trái không to bằng chính vụ, nhưng thanh nhãn đầu mùa của gia đình tôi vẫn đạt chất lượng tốt với vị ngọt, cơm khô và hạt nhỏ nên đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đợt xuất khẩu này ước tính lợi nhuận của gia đình tôi đạt khoảng 300 triệu đồng/ha, cao hơn 50 triệu đồng/ha so với năm trước”.
Tương tự như anh Hoàng, anh Thuận (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) cũng đang hối hả thu hoạch thanh nhãn. Anh Thuận cho biết, mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến năng suất, nhưng giá bán cao nên lợi nhuận tương đương năm trước.
“"Mùa thanh nhãn năm nay, năng suất trung bình dao động từ 8 đến 10 tấn/ha. Lợi nhuận thu được phụ thuộc vào giá cả thị trường. Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu sớm và giá bán tăng cao, vụ thanh nhãn năm nay mang lại lợi nhuận tương đương năm trước, dao động từ 250 đến 300 triệu đồng/ha", anh Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đánh giá cao chất lượng thanh nhãn Cần Thơ. Được mệnh danh là "vua nhãn", thanh nhãn Cần Thơ sở hữu những ưu điểm nổi bật như: dày cơm, ngọt vừa, quả to, lượng nước không nhiều, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, Australia và Canada.
Từ đầu năm nay, Vina T&T đã xuất khẩu thành công hơn 20 tấn thanh nhãn sang các thị trường này. Nhu cầu cao khiến nguồn cung hiện tại không đáp ứng đủ, do đó, công ty đang tích cực chuẩn bị cho đợt thu hoạch chính vụ. Thanh nhãn sẽ được cấp đông để xuất khẩu bằng đường biển và dự trữ để bán quanh năm cho thị trường quốc tế.
Sự hợp tác hiệu quả giữa Vina T&T và các hợp tác xã, tổ hợp tác tại Cần Thơ trong 5 năm qua đã góp phần tạo nên thành công cho việc xuất khẩu thanh nhãn. Nông dân được hỗ trợ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, bao gồm kỹ thuật canh tác, vận chuyển, thu hoạch... Đặc biệt, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Australia và Hoa Kỳ, thanh nhãn cần có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và được chiếu xạ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, hiện thành phố có 2.547 ha nhãn với sản lượng khoảng 25.400 tấn/năm. Cờ Đỏ là địa phương có diện tích trồng thanh nhãn lớn nhất của thành phố với 400 ha; trong đó có 158 ha với 33 vùng trồng được cấp mã số. Thanh nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU... Từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện các lô thanh nhãn xuất khẩu của Cần Thơ vướng kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, TP. Cần Thơ là địa phương có sản lượng thanh nhãn xuất khẩu lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, địa phương này đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch khoảng 250 tấn thanh nhãn/năm sang các thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định việc ký hợp đồng liên kết và xuất khẩu thanh nhãn sang thị trường Hoa kỳ và Australia giữa tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái và doanh nghiệp là minh chứng rõ nét cho sự liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững.
Để phát triển liên kết sản xuất và xuất khẩu thanh nhãn bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất đủ lớn đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.
Đại diện các hợp tác xã, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương vận động tất cả nông dân hợp tác xã trong vùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là định hướng sản xuất hữu cơ, sinh học, tạo ra sản phẩm đồng nhất và ổn định về chất lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật và kim loại nặng theo quy định trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp liên kết phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế sản phẩm, thông tin về yêu cầu chất lượng sản phẩm cho nông dân biết để sản xuất đúng.
Đồng thời, thành phố xây dựng vùng nguyên liệu và có hợp đồng liên kết mang tính lâu dài và ổn định về sản lượng, lập kế hoạch thu mua hàng năm để định hướng cho hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất. Các doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nông sản cho vùng trồng được biết và phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững về sản lượng và lợi ích.