Cần tính đến giải pháp lâu dài
- Những trở ngại, cần hợp sức tháo gỡ
Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, vùng biển đảo... đã có nhiều khởi sắc. Một số địa phương: Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh... đã tổ chức ký thỏa thuận trực tiếp với TCT Giấy Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, TCT Thương mại Hà Nội, TCT Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội… Đa số các DN sau khi tham gia chương trình đã cải tiến sản phẩm, xây dựng lại hệ thống phân phối hàng hóa tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của bà con.
Tuy nhiên, việc triển khai đưa hàng về địa phương còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới sự phối hợp giữa Sở Công Thương các tỉnh và các tập đoàn, tổng công ty, DN chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều cửa khẩu và nhiều lối mòn biên giới, hàng hóa Trung Quốc với mẫu mã phong phú, giá rẻ tràn sang chiếm lĩnh thị trường. Ông Hoàng Lê Kỷ- Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết: Khó khăn lớn nhất để hàng Việt về nông thôn chính là đường sá đi lại cách trở, sức tiêu thụ kém, thiếu kinh phí hỗ trợ. Trong khi muốn mở rộng thị phần miền núi, lại phải đầu tư tốn kém.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đơn vị quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, số lượng DN quan tâm tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi rất lớn, nhưng do hạn chế về kinh phí nên không thể đáp ứng được hết. Ông Lưu Tùng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết, để tổ chức phiên chợ hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở miền núi, việc lựa chọn tổ chức tại một điểm hay nhiều điểm sẽ được ban tổ chức đưa ra, nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Mặc dù Cục Xúc tiến Thương mại có kinh phí hỗ trợ cho chương trình hàng Việt về vùng sâu, vùng xa ở Hà Giang, song kinh phí tổ chức hội chợ khá lớn. Nhiều DN đồng tình với chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, họ sẵn sàng bỏ kinh phí tham gia, nhưng lo lắng về hiệu quả khi tham gia vào phiên chợ ở miền núi. Đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho hay, khi tổ chức gian hàng tại đây chỉ thu hút tính hiếu kỳ của bà con và bán được ít hàng hóa. Sau mỗi phiên chợ, chẳng có thêm đơn đặt hàng nào. Người dân vẫn bị chi phối bởi hàng Trung Quốc giá rẻ và thờ ơ với hàng Việt.
Cần giải pháp bền vững
Ông Trần Văn Sáng - Phó giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho rằng, với đặc thù các tỉnh miền núi, việc đưa hàng Việt về nông thôn là điều cần thiết. Để tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hàng Việt đến với vùng nông thôn, cần phải tính đến những giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn. Việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt không thể chỉ theo đợt và đi theo từng chuyến xe hàng về từng địa phương như lâu nay, mà có thể thông qua hệ thống cửa hàng thương mại tại trung tâm các huyện hoặc hệ thống cửa hàng thương mại các xã. Đặc biệt, để tăng tính hiệu quả của các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, các đơn vị quản lý và chủ trì thực hiện chương trình cần tăng cường thu hút sự tham gia của DN sản xuất hoặc đại lý cấp I, nhằm giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành, đồng thời tăng tính đa dạng hàng hóa giới thiệu. Bên cạnh đó, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi có thêm các DN dịch vụ khoa học kỹ thuật để giúp bà con phát triển sản xuất. Riêng với những chợ huyện miền núi có đến 90% là hàng hóa Trung Quốc và sản phẩm không có nhãn mác, thì càng cần phải có hàng hóa của Việt Nam để người tiêu dùng có thể lựa chọn và so sánh khách quan theo lợi ích tiêu dùng. Từ đó, DN sẽ xây dựng được mạng lưới phân phối, cạnh tranh để tìm đất sống cho hàng Việt ở nông thôn.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để triển khai hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về các tỉnh miền núi đạt kết quả cao, cần tăng cường hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn. Đặc biệt là việc tổ chức và tham gia các đợt bán hàng về vùng sâu, vùng xa. Đồng thời có kế hoạch phù hợp lồng ghép các hoạt động bình ổn thị trường với các hoạt động bán hàng Việt trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: “Để từng bước thiết lập kênh phân phối ổn định, bền vững cho các sản phẩm hàng hóa trong nước, tạo tiền đề để hình thành các điểm bán hàng Việt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các địa phương cần đẩy mạnh công tác kết nối giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh của địa phương với các đơn vị phân phối hàng Việt Nam, đặc biệt là với các mặt hàng công nghiệp nông thôn trên địa bàn”. |
Việt Anh