Sabeco lên sàn cuối năm 2016 - góp phần tăng quy mô cho TTCK |
Ông có nhận xét gì về các yếu tố kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế tác động đến TTCK năm 2017?
Tôi cho rằng, 2017 là năm có nhiều thay đổi xét về khía cạnh kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, việc Tổng thống mới của Mỹ ban hành nhiều chính sách mới sẽ có những tác động khó đoán định.
Trên thực tế, 2 nhiệm kỳ qua của Tổng thống Barack Obama, kinh tế Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể. Giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ tăng 169% nhưng thị trường tiếp tục tăng trưởng đến đâu lại là câu hỏi ở phía trước. Kỳ họp đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu năm nay cũng đánh giá kinh tế Mỹ đang tốt lên. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ tốt lên, chúng ta lại có vấn đề đáng lo ngại bởi khó tránh khỏi lạm phát và khả năng Fed tăng lãi suất đồng USD là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn như Việt Nam.
Ông Lê Hải Trà - Phó Tổng giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh |
Mặt khác, chính sách hướng nội của Tổng thống Donald Trump hiện nay là sẵn sàng trừng phạt doanh nghiệp (DN) Mỹ mang tiền ra đầu tư ở nước ngoài và có nhiều ưu đãi cho các DN quay về nội địa sẽ khiến các công ty Mỹ có thể quay về nước đầu tư.
Không chỉ các DN sản xuất kinh doanh, ngay cả các công ty quản lý quỹ và tài sản cũng có thể quay về khi có cơ hội đầu tư khác tại thị trường Mỹ. Vì vậy, rất có thể sẽ có một dòng vốn rút ra khỏi thị trường quốc tế. Đó là sự lo ngại mà chúng ta phải theo dõi rất chặt chẽ và cẩn trọng.
Trên bình diện quốc gia, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô về cơ bản có cải thiện, ngoại trừ mối lo ngại về nợ công. Với tỷ lệ nợ công hiện nay, nhà nước cũng đã có các chính sách hạn chế như thoái vốn khỏi các tập đoàn lớn; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước… để bù đắp vào chi tiêu công. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua các chính sách hạn chế chi tiêu công. Giá dầu mỏ hiện gia tăng trở lại cũng đang có xu hướng tốt cho nguồn thu ngân sách, góp phần giải bài toán nợ công.
Về góc độ thị trường, năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và tính thanh khoản. Có lẽ lâu rồi mới có hiện tượng các nhà đầu tư săn đón các cổ phiếu trước khi lên sàn như năm qua - đây là dấu hiệu đáng mừng. Khi nhà đầu tư có kỳ vọng như vậy là điều thuận lợi cho các công ty niêm yết. Đặc biệt, năm qua có các DN cổ phần hóa lớn đã lên sàn như Sabeco, Novaland.. và sắp tới sẽ có những DN tư nhân lớn tiêu biểu cho nền kinh tế lên sàn (Vietjet dự kiến trong tháng 2 sẽ niêm yết tại HOSE - PV). Ngoài ra, kế hoạch cổ phần hóa các tập đoàn lớn khác vẫn đang được đẩy mạnh. Đó là những tín hiệu đáng mừng để tiếp tục tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường của chúng ta.
Một khía cạnh khác trong những năm gần đây, chúng ta nỗ lực rất nhiều để nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu đạt được điều này trong năm nay, thị trường sẽ có sự cải thiện đáng kể bởi gỡ bỏ được nhiều rào cản để các quỹ đầu tư tham gia, giúp TTCK Việt Nam có thể thu hút được các nguồn vốn đầu tư quốc tế. Nếu chúng ta “khớp” được hai vấn đề: Tăng quy mô, chất lượng hàng hóa đưa vào thị trường với việc nâng hạng để thu hút nguồn vốn quốc tế thì đây là sự kết hợp giữa cung và cầu tốt nhất trong năm 2017.
Với chính sách hướng nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng ta lo ngại sẽ có một nguồn vốn rút ra khỏi thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nếu kịch bản xấu nhất này xảy ra, theo ông sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?
Hiện tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chỉ chiếm khoảng 15% quy mô thị trường. Nếu kịch bản xấu nhất là nguồn vốn đó rút hết khỏi thị trường thì cũng không lớn nhưng rất khó xảy ra kịch bản đó.
Thực tế, thời gian qua, chúng ta thường so sánh giao dịch của khối nhà đầu tư ngoại tháng này với tháng trước. Khi lượng đầu tư giảm đi, chúng ta cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn nhưng thực tế không phải như vậy. Có thể họ đang sắp xếp lại danh mục đầu tư, chờ đợi một cơ hội mới, giữ vốn và đợi lúc thích hợp để giải ngân. Đây là chu kỳ đầu tư của họ chứ không phải rút vốn.
Ngoài ra, chúng ta cũng có những công cụ khác như trái phiếu Chính phủ. Khi thị trường cổ phiếu đi ngang, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi cổ phiếu, cơ cấu lại danh mục, đồng thời dùng số tiền đó tạm thời trú ẩn (parking) vào trái phiếu Chính phủ vì đây là tài sản phi rủi ro. Đó là chiến thuật đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư có tổ chức đều làm như vậy.
Được biết, thời gian qua, đã có một số DN niêm yết áp dụng theo các chuẩn mực về báo cáo tài chính quốc tế. Điều này có “vênh” gì với các chuẩn mực của thị trường trong nước?
Bên cạnh báo cáo tài chính theo chuẩn mực trong nước, đã có một số DN áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Điều này rất có lợi để DN sẵn sàng bước ra sân chơi quốc tế.
Sắp tới, HOSE sẽ tổ chức các hội thảo về vấn đề này để giúp các DN nhận thấy thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ có những tác động tích cực như thế nào, đồng thời khuyến khích DN nên làm song song theo cả chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và trong nước.
Việc sáp nhập hai Sở GDCK liệu có hoàn tất trong năm nay không, thưa ông?
Việc sáp nhập hai Sở GDCK theo kế hoạch tái cấu trúc TTCK được thực hiện theo mô hình công ty mẹ và công ty con. Trong đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và HOSE sẽ là 2 công ty con. Toàn bộ thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về giao dịch tại HOSE và cả sản phẩm chứng quyền - Covered Warrant, còn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và phái sinh. Việc chuyển hết cổ phiếu từ HNX vào HOSE là điều mà các nhà đầu tư đang rất mong đợi và khả năng trong năm nay sẽ hoàn tất việc tái cấu trúc về TTCK theo mô hình trên.
Xin cảm ơn ông !