Số lượng các tàu chở hàng hoá có xuất xứ châu Á cập bến các cảng bờ Tây nước Mỹ tăng đột biến, gây ra tình trạng thiếu hụt container và giá vận chuyển hàng hoá tăng vọt.
Theo tờ Nikkei Asian Review, số lượng container đang được xếp dỡ tại cảng Los Angeles và Long Beach (California, Mỹ) – các cảng biển đóng vai trò cửa ngõ đối với hàng hoá châu Á - đã tăng 45% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 8 tăng liên tiếp. Trong tháng 3, lượng container cập cảng Los Angeles tăng hơn 80%.
Việc các cảng biển tại bờ Tây bị quá tải khiến hàng chục con tàu container đang phải nằm chờ ngoài khơi. Hai cảng này hiện đang xử lý 40% hàng hoá hàng hải của Mỹ nhưng lại không thể theo kịp sức mua hàng nhập khẩu tăng cao của người tiêu dùng Mỹ.
Cảng biển Long Beach là điểm đến của các tàu vận tải châu Á |
“Bình thường, các tàu hiếm khi phải xếp hàng. Con số này tăng đột biến trong nhiều tháng gần đây khi hoạt động giao thương trở nên tấp nập hơn”, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Kip Louttit, CEO hãng vận tải Marine Exchange of Southern California, nhận định.
Tính tới sáng 29/3, khoảng 24 tàu container chưa thể tiếp cận 2 cảng này vì không có chỗ. Tổng sức chứa của số tàu trên lớn gấp 10 lần so với Ever Given, con tàu khổng lồ bị mắc cạn tại kênh đào Suez trong gần một tuần, gây xáo động dòng chảy thương mại toàn cầu.
Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 lây lan giữa các công nhân tại cảng cũng khiến tốc độ xử lý hàng hoá giảm sút. Theo thống kê, có ít nhất khoảng 800 công nhân tại cảng Los Angeles và Long Beach, chiếm 5% tổng số công nhân tại cảng, đã bị nhiễm virus trong tháng 2 và tháng 3.
Tình trạng chậm trễ trong khâu xử lý hàng hóa và bối cảnh thiếu hụt container trên toàn cầu đã khiến cước vận chuyển tăng vọt. Hồi cuối tháng 3, phí chở hàng từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ vào khoảng 5.000 USD cho một container dài hơn 10 m, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty số liệu thị trường Freightos có trụ sở tại Hong Kong. Phí vận chuyển từ châu Âu đến Bờ Tây cũng tăng gần gấp đôi.
Giao hàng chậm trễ, phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng tới nhiều công ty. Hãng giày Nike, có trụ sở tại bang Oregon, Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng hàng có xuất xứ châu Á bị giao muộn từ 2 – 3 tuần so với dự kiến. Tính đến tháng 2, doanh thu toàn cầu của Nike đã tăng 3% nhưng doanh số tại Bắc Mỹ giảm 10% do nguồn cung sản phẩm bị gián đoạn.
Ông Jon Gold, phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (National Retail Federation) có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết một số công ty đã chuyển sang vận tải hàng không do lo ngại tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Đối với hình thức này, phí vận chuyển cao gấp 8-10 lần so với vận tải đường thủy. Việc này khiến các chuyên gia lo ngại sẽ góp phần thổi giá hàng hóa trong thời gian tới.