Nếu như nhóm CPI về lương thực, thực phẩm chỉ tăng lần lượt là 15,66% và 18,78%, thì PPI của hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 23,12%; PPI của hàng công nghiệp tăng 17,01%, chỉ số giá nhập khẩu lương thực, thực phẩm tăng 14,29%, chỉ số giá cước vận tải tăng 11,47%...
Cần phải giải thích thêm là, các loại chỉ số giá này có thể coi là “chỉ số giá đầu vào” của CPI.
Trong khi đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu tăng chung là 15,23% và của một số nhóm khác như nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; kim loại… tăng tương ứng là 21,10%, 16,51% và 15,80%... Các loại chỉ số giá này được coi là “chỉ số giá đầu vào” của người sản xuất.
Những số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu, giá cước vận tải, giá nhập khẩu đều có tốc độ tăng xấp xỉ tốc độ tăng chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và công nghiệp. Chỉ số giá bán sản phẩm của những nhóm hàng tương ứng của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp; chỉ số giá hàng tiêu dùng nhập khẩu về lương thực, thực phẩm… lại có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của các nhóm hàng tương tự trong CPI.
Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài trong một thời gian, từ 3 đến 4 quý, thì lợi nhuận của người sản xuất và người bán hàng (kể cả bán buôn và bán lẻ) sẽ giảm và thậm chí thua lỗ.
Chính vì vậy, trong các giải pháp bình ổn giá đang được áp dụng hiện tại, nếu chỉ tập trung vào người bán hàng, người sản xuất có thể chịu lỗ để cung cấp với mức giá bình ổn cho người bán hàng không hay có thể chịu lỗ trong bao lâu? Câu chuyện bình ổn giá có lẽ cần phải được nhìn nhận cẩn trọng hơn với góc độ này.
Các loại chỉ số giá nêu trên cũng là một nguồn thông tin quan trọng để ước lượng chỉ tiêu GDP quý, năm, theo giá thực tế và giá so sánh và chỉ số giá GDP. Có thể coi chỉ số giá GDP là “cái bóng” của CPI và thông thường, chỉ số giá GDP có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng CPI.
Từ năm 2005 đến 2009 nhận định này là đúng, song tình hình năm 2010 và quý I/2011 đang cho thấy ngược lại (quan sát các bảng).
Năm 2010, trong quá trình ước tính chỉ tiêu GDP hàng quý, Tổng cục Thống kê đã cảnh báo về khả năng lạm phát sẽ tăng cao vào quý IV năm 2010. Tình hình có vẻ đang lặp lại vào các quý đầu năm 2011.
Liệu có thể coi chỉ số giá GDP là “chỉ số giá đầu vào” của CPI không? Nếu vậy, có thể thông qua tốc độ tăng chỉ số giá GDP có thể dự báo được tốc độ tăng CPI. Khi tốc độ tăng chỉ số giá GDP đang cao hơn tốc độ tăng CPI liên tục, có nghĩa là nền kinh tế sẽ có lạm phát cao.
Theo Bùi Bá Cường
(*) Nguyên Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê